Multimedia Đọc Báo in

Tần tảo vì con

12:03, 20/10/2013

Chồng mất sớm vì bạo bệnh, bỏ lại cho những người phụ nữ ấy một nỗi đau và gánh nặng gia đình quá lớn. Nuốt nước mắt vào trong, các chị đã gượng dậy, tảo tần một nắng hai sương, vững vàng vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời để nuôi các con ăn học nên người…

Làm tất cả để các con được đi học

Suốt hàng chục năm nay, ngày nào chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (thôn 19, xã Hòa Khánh, TP.Buôn Ma Thuột) cũng dậy từ 3 giờ sáng, chạy xe đến khắp các hồ nuôi cá trên địa bàn xã lấy cá về chợ bán. Mỗi ngày chị bán chừng 20kg các loại cá diêu hồng, cá lóc, chép, trắm…, may mắn bán hết thì lãi được 80.000 đồng, còn thường chỉ lãi 40.000 đồng/ngày. Thu nhập mỗi tháng nhiều lắm cũng chỉ hơn 2 triệu đồng, thế mà chị vẫn chắt chiu nuôi 4 đứa con ăn học…

Chị Tuyết tại chợ xã Hòa Khánh.
Chị Tuyết tại chợ xã Hòa Khánh.

Nhớ lại những năm 1996-1997, vợ chồng chị Tuyết cùng 4 đứa con nhỏ đùm túm từ Huế vào sinh sống tại thôn 19, xã Hòa Khánh. Chồng đi làm thuê làm mướn, vợ đạp xe khắp nơi mua bán lặt vặt, chỉ đủ tiền mua mảnh đất hơn 160m2 trị giá vài trăm ngàn đồng, anh em họ hàng giúp cho ít vật liệu cất tạm ngôi nhà gỗ ọp ẹp làm chỗ chui ra chui vào. “Đã nghèo còn gặp cái eo”, chồng chị Tuyết mắc bệnh viêm gan, chạy chữa khắp nơi không khỏi và mất vài năm sau đó, để lại cho chị gánh nặng 4 đứa con gái đang tuổi ăn tuổi lớn (cô con gái đầu mới 16 tuổi và cô con út còn chưa vào lớp 1). Chị bảo, lúc chồng mất, chị chẳng nghĩ được gì nhiều, nuôi nấng 4 đứa con ăn học dường như là một gánh nặng quá lớn, chị chỉ biết lao vào làm việc quần quật nuôi con. Ngày nào chị cũng đi làm từ tinh mơ gà gáy đến tối mịt mới về, bươn chải đủ mọi việc, từ buôn bán đến làm thuê, cuốc mướn, ai kêu gì làm nấy. Nhiều khi khổ quá, chị nghĩ đến việc cho con nghỉ học nhưng nhìn các con thích học quá, lại không nỡ. Chị rơm rớm nước mắt nhớ lại: “Mấy đứa con cứ  bảo: mẹ chỉ cần cho con ăn ngày hai bữa thôi, mỗi bữa một chén cơm cũng được chứ đừng bắt con nghỉ học. Thế là tôi đành cố gắng làm nhiều hơn, cho con ăn học đầy đủ để mai mốt đời chúng đỡ khổ. Nhà thuộc diện hộ nghèo nên những năm học phổ thông, các con tôi đều được giảm học phí, sách giáo khoa đi xin lại của người ta, chị dùng xong để lại cho em, còn quần áo thì ai cho gì mặc nấy”.  Dù thuộc diện được giảm học phí nhưng suốt những năm các con học phổ thông, đầu năm học nào chị Tuyết cũng phải đi vay tiền bà con, hàng xóm để nộp tiền học cho con. Chẳng đếm được bao nhiêu lần chị phải xin nhà trường gia hạn thời gian nộp học phí...

Chị Thương đang chuẩn bị cho một buổi bán hàng.
Chị Thương đang chuẩn bị cho một buổi bán hàng.

Niềm an ủi của chị là cả 4 cô con gái đều ngoan ngoãn, chăm chỉ và tự lập. Mẹ bận mưu sinh, mấy chị em tự xin tài liệu, sách vở và bảo ban nhau học hành. Chị Tuyết kể: “Ngoài giờ học, mấy chị em nó lại làm việc nhà giúp mẹ. Lúc ấy nhà nuôi mấy con heo, toàn do chị em chúng nó chăm hết, từ nấu cám đến tắm heo. Nhiều lúc về thấy con tắm heo, dọn chuồng heo mà heo còn to hơn người là nước mắt tôi lại chảy dài. Cực vậy mà đứa nào cũng học giỏi, giấy khen chất thành chồng". Các con vào đại học, cao đẳng, chị Tuyết lại vay tiền ngân hàng nộp học phí, mỗi tháng chắt chiu chỉ gửi cho con được chút tiền, còn thì các con chị đều phải đi làm thuê đủ mọi việc để lo tiền ăn ở. Cô con gái đầu Đặng Thị Hoài Thảo đã tốt nghiệp ngành Kế toán tại một trường cao đẳng ở TP.Hồ Chí Minh, đã lấy chồng và đang làm việc tại Thừa Thiên-Huế. Cô con gái thứ hai là Đặng Thị Hoài Thuận tốt nghiệp ngành Quản lý khách sạn của Đại học Huế và hiện đang làm việc tại Khách sạn Hương Giang (TP.Huế). Cô con gái thứ ba là Đặng Thị Hoài Thương vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Điện lực TP.Hồ Chí Minh, hiện vẫn chưa có việc làm. Còn con gái út Đặng Thị Hoài Thi đang học lớp 12 tại Trường THPT Trần Phú (TP.Buôn Ma Thuột).

Giờ đây, vẫn ở trong căn nhà ván cũ kỹ hở trước hở sau phải dùng bao nylon dán cho đỡ gió lùa, mưa tạt nhưng chị vẫn quần quật bươn chải nuôi cô con út sắp vào đại học. Dù vất vả nhưng chị Tuyết cảm thấy rất vui, vì ba đứa con đã học xong cao đẳng, đại học – bằng nỗ lực không thể đong đếm của mẹ. Chị bảo: “Chúng nó học xong, có việc làm cũng đỡ đần mẹ phần nào. Cuộc sống giờ đỡ hơn rất nhiều rồi. Tôi cũng vừa xin ra khỏi diện hộ nghèo, bởi mình chưa hết cực nhưng còn nhiều người khổ hơn. Các con ăn học nên người là thành quả lớn nhất của đời tôi rồi, cần chi hơn nữa?”.

Nỗi lo của mẹ

Mấy tháng nay, tâm trạng chị Dương Thị Thương (248 Lý Thường Kiệt, TP.Buôn Ma Thuột) lúc nào cũng nặng trĩu âu lo. Cứ nhìn cô con gái Hồ Thị Tường Vy đi ra đi vào, thở dài sườn sượt mà chị chỉ muốn rơi nước mắt. Vy tốt nghiệp cao đẳng kế toán cách đây hai năm, đã đi làm ở TP.Hồ Chí Minh được một thời gian, thương mẹ mắc bệnh tim nên về Buôn Ma Thuột để ở gần, đỡ đần mẹ. Thế mà đến giờ Vy vẫn chưa có việc làm, dù đã tìm việc khắp nơi, nộp không biết bao nhiêu bộ hồ sơ xin việc. Chị Thương rớm nước mắt: “Đêm nào hai mẹ con cũng ôm nhau khóc. Tôi cứ dằn vặt bản thân: phải chăng do mình nghèo khổ quá, không quen biết ai, không có nhiều tiền bạc, lại đau ốm bệnh tật nên con mình cũng khổ theo?”…

Cách đây chục năm, gia cảnh chị Thương rơi vào cảnh khốn khổ cùng cực khi chồng chị mất vì bệnh ung thư gan. Lao động chính trong nhà mất đi, gia sản chẳng còn gì bởi đã bán hết để chữa bệnh cho chồng, “kể cả chiếc xe đạp con gái đi học cũng bán”. Chị Thương gần như chẳng biết xoay sở làm sao để nuôi 3 đứa con, lúc ấy đứa lớn mới học lớp 8 và đứa nhỏ nhất học lớp 5. Hằng ngày chị đi bán dạo bánh kẹp từ sáng đến tối, tiền lãi chẳng đủ lo ăn. Có những ngày các con chị toàn ăn cháo đi học, hàng xóm thương tình lại cho cơm, đồ ăn. Chị kể: “Khổ vậy mà chẳng đứa nào chịu nghỉ học, cứ xin mẹ là không có ăn, không có mặc cũng được nhưng đừng bắt con nghỉ. Thương con, mỗi ngày tôi lại nhận thêm chút bánh, đi bán tới tối mịt mới về. Mỗi lần mỏi gối, chùn chân, cứ nghĩ tới đàn con ở nhà là lại gắng lên bước tới”. Một thời gian sau, chị được các soeur ở tu viện Nữ vương Hòa Bình hỗ trợ ít vốn mở hàng bánh mì, xôi trước nhà. Khi cô con gái đầu đỗ cao đẳng tại TP.Hồ Chí Minh, chị Thương bán bánh mì buổi sáng, buổi chiều lại nhận bánh kẹp đi bán dạo. Cứ thế ròng rã nuôi lần lượt 3 con học đại học, cao đẳng. Hiện nay, cậu con trai thứ hai là Hồ Xuân Hiệp đang học năm thứ ba ngành Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Công nghiệp 4 (TP.Hồ Chí Minh) và cô con gái út Hồ Thị Thùy Linh cũng đang học năm thứ hai ngành Kế toán cùng trường. Mỗi tháng chắt chiu lắm chị cũng chỉ gửi cho các con được chừng 1 triệu đồng và xin nhà trường giãn các đợt đóng học phí. Các con chị ngoài giờ học đều phải đi làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt. Mấy năm gần đây, căn bệnh hở van tim khiến sức khỏe chị Thương yếu hẳn, những việc nặng nhọc hầu như không làm nổi nhưng chị chỉ mua thuốc về uống qua ngày, vì “tiền đâu mà đi mổ, vả lại nằm viện thì ai làm nuôi con?”.

Các con học hành như thế nhưng trong lòng người mẹ ấy lúc nào cũng canh cánh nỗi lo. Chị bộc bạch: “Tôi chỉ mong các con học hành rồi có việc làm ổn định, sau này mẹ có mệnh hệ gì thì các con cũng chẳng bơ vơ, bối rối giữa đời”…

Hải Như

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.