Đổi mới giáo dục ở Việt Nam - kinh nghiệm từ Hoa Kỳ
Trong bài viết này, tác giả muốn đề cập đến một số vấn đề cơ bản về “Đổi mới giáo dục” ở Việt Nam từ kinh nghiệm của Hoa Kỳ.
Sự yếu kém của học sinh có thể dẫn đến suy thoái kinh tế,
Trong những năm 1980 giáo dục Hoa Kỳ (đặc biệt là giáo dục phổ thông - GDPT) giảm sút nghiêm trọng. Một Ủy ban quốc gia được thành lập, bản báo cáo về thực trạng nguy hiểm của giáo dục Hoa Kỳ với tiêu đề “Thực trạng nguy hiểm của quốc gia: Yêu cầu cấp bách về đổi mới giáo dục” ra đời. Nhóm các nhà giáo dục và cán bộ quản lý được lựa chọn để kiểm tra chất lượng của giáo dục tiểu học và trung học ở các trường công đã phát hiện ra xu hướng chất lượng ngày đi xuống và đang đe dọa tương lai của đất nước. Theo phân tích của Ủy ban quốc gia Hoa Kỳ, nhà trường đã chú trọng một cách bó hẹp vào kỹ năng đọc và tính toán cơ bản mà bỏ qua các kỹ năng cốt yếu như nhận biết, phân tích, giải quyết vấn đề và khả năng đưa ra kết luận. Các báo cáo đều cảnh báo rằng chất lượng GDPT đang giảm sút, sự yếu kém của học sinh có thể dẫn đến suy thoái kinh tế, thậm chí có thể ảnh hưởng tới cả an ninh quốc gia. Do đó cần phải cải cách mạnh mẽ, tập trung vào một số điểm trọng tâm như: Giảm bớt các môn học phụ, tăng cường nội dung các môn học cơ bản và các chuẩn mực cần đạt được, nâng cao yêu cầu đối với việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), kéo dài thời gian mỗi năm học từ 180 ngày lên 200-220 ngày, kiểm tra đánh giá học sinh trên cơ sở xây dựng chuẩn cho nội dung chương trình giáo dục và chuẩn mực cơ bản hay trình độ tối thiểu cần đạt được, tăng cường tính tự chịu trách nhiệm của nhà trường và giáo viên về hiệu quả công việc… Các nhà giáo dục Hoa Kỳ đã bắt đầu một loạt những cuộc cải cách chưa từng có trước đó, đặc biệt hướng đến triết lý giáo dục thực tiễn phải tạo ra những cá nhân có kiến thức và kỹ năng để đáp ứng các đòi hỏi của công việc trong tương lai.
Hội thảo khoa học Trí thức Thủ đô với việc đổi mới căn bản giáo dục Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020. Ảnh: T.L |
Đổi mới giáo dục dựa trên cơ sở khoa học, cơ sở chuẩn (cải cách toàn bộ hệ thống) - thường được coi là việc đề ra các chuẩn cao hơn và mang tính bắt buộc đối với nội dung chương trình và các phương pháp đánh giá sát hơn kết quả học tập của học sinh. Ở Hoa Kỳ, Hội nghị thượng đỉnh về giáo dục tại Charlottville 1989 là một ví dụ. Trong hội nghị này, các công việc cơ bản cho chương trình mục tiêu giáo dục quốc gia đã được đề ra. Sau hội nghị, sáu mục tiêu giáo dục quốc gia được xây dựng và tạo đà cho chương trình cải cách giáo dục do chính quyền bang tiến hành. Quốc hội Hoa Kỳ đã thành lập Hội đồng Quốc gia về tiêu chuẩn và kiểm định trong giáo dục (NCEST) vào tháng 6-1991. Hội đồng được thành lập để xem xét việc lập ra các tiêu chuẩn giáo dục quốc gia nhằm tạo ra những nội dung học tập phù hợp theo từng cấp học.
Coi trọng yếu tố con người
Một trong những yếu tố thành công trong cải cách giáo dục Hoa Kỳ là coi trọng yếu tố con người. Hội nghị thượng đỉnh quốc gia về giáo dục 1996 tại New York là biện pháp ứng phó trước tiến độ đi xuống của cải cách giáo dục sau “Những mục tiêu 2000 - Đạo luật giáo dục nước Mỹ”. Năm 1996, với một báo cáo đánh dấu bước ngoặt “Điều ý nghĩa nhất: dạy học cho thế hệ tương lai của nước Mỹ”, Ủy ban quốc gia về dạy học và tương lai của Hoa Kỳ lại thêm một lần nữa khẳng định rằng, giáo viên có vai trò rất quan trọng với thành tích của học sinh. Báo cáo đã nêu ra thách thức với quốc gia trong việc bố trí giáo viên có chất lượng cao trong từng lớp học ở Hoa Kỳ đến năm 2006. Báo cáo đưa ra kế hoạch phác thảo cho việc tuyển dụng, đào tạo và hỗ trợ các giáo viên xuất sắc ở tất cả các trường của Hoa Kỳ. Kế hoạch nhằm đảm bảo rằng tất cả các cộng đồng đều có giáo viên với kiến thức và kỹ năng cần thiết để giảng dạy sao cho tất cả trẻ em đều có thể học tập tốt và tất cả hệ thống trường học được tổ chức nhằm hỗ trợ giáo viên tiến hành nhiệm vụ đó.
Liên hệ thực trạng đội ngũ giáo viên như hiện nay, rõ ràng chúng ta cần đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực của ngành giáo dục theo định hướng như một số nước phát triển, nâng cao chất lượng tuyển sinh vào ngành sư phạm. Sắp xếp lại các trường đại học sư phạm thành một hệ thống có chung chiến lược phát triển. Xây dựng cơ chế tạo quan hệ gắn bó giữa hệ thống các trường sư phạm với hệ thống GDPT. Đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông theo hướng chuyển từ đào tạo một lần sang đào tạo căn bản/ban đầu kết hợp với đào tạo bổ sung/thường xuyên theo chu kỳ, trọng tâm là phát triển liên tục khả năng thích ứng của giáo viên trong điều kiện quốc tế hóa và hội nhập quốc tế. Sửa đổi chính sách về tiền lương và phụ cấp, bảo đảm để giáo viên và gia đình họ có mức sống cao hơn mức sống trung bình trong xã hội. Cần bổ sung các chế độ về phúc lợi đối với nhà giáo và cải thiện điều kiện làm việc để nhà giáo có thể thực hiện các hoạt động giáo dục một cách chuyên nghiệp. Cho đến nay, vấn đề giáo viên chưa một lần được giải quyết căn cơ, thấu đáo khiến tất cả những biện pháp đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục ở nhà trường chưa được thực hiện có hiệu quả. Theo các kết quả điều tra mới nhất, một tỷ lệ khá lớn giáo viên phổ thông hiện nay không đủ sức đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục hiện hành; ngoài kiến thức, các kỹ năng, tính thích ứng và khả năng ứng dụng ICT của giáo viên phổ thông còn rất hạn chế. Những tồn tại này sẽ không đủ sức đáp ứng các yêu cầu của chương trình và sách giáo khoa mới. Trong những năm tới, chất lượng giáo viên mới vào nghề có thể còn thấp hơn nữa vì phần lớn sinh viên đang học tại các trường sư phạm và cơ sở đào tạo giáo viên của các trường đa ngành (gọi chung là trường sư phạm) vốn chỉ là những học sinh phổ thông trung bình, còn học sinh khá, giỏi không thi vào trường sư phạm. Trong khi đó, nội dung và phương pháp đào tạo ở nhiều trường sư phạm thì quá lạc hậu, còn công tác bồi dưỡng giáo viên phổ thông được tổ chức hằng năm mang nặng tính hình thức…
Đổi mới kiểm tra, đánh giá, thi cử theo hướng kiểm tra năng lực
Đổi mới căn bản, toàn diện trong đó trọng tâm là đổi mới GDPT. Một thực tế trong nhiều năm qua công tác đánh giá, kiểm tra, thi cử đối với bậc học cơ bản này vẫn chưa có lối thoát; gần đây, vấn đề này đã được các chuyên gia giáo dục bàn bạc, tranh luận tại Hội thảo về "Hệ thống môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình GDPT sau năm 2015" diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 26 – 27-10-2013. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc đổi mới kiểm tra, đánh giá, thi cử trong đó kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng kiểm tra năng lực, và kết quả của nó được sử dụng như một trong những căn cứ để tuyển sinh, thay thế cho kỳ thi đại học hiện nay sẽ góp phần quan trọng vào việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục sau 2015.
Kinh nghiệm từ Hoa Kỳ, GDPT do chính quyền tiểu bang quản lý. Đạo luật "No Child Left Behind" - một đạo luật nhằm cải cách và nâng cao chất lượng GDPT của Hoa Kỳ đã ra đời. Theo đó, việc tổ chức hay không tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng do từng tiểu bang quyết định. Thế nhưng trong vòng hơn một thập niên trở lại đây ngày càng có nhiều tiểu bang yêu cầu học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp bắt buộc do chính phủ tiểu bang tổ chức.
Các nhà khoa học của Hoa Kỳ cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT là một công cụ chính sách mà các nhà lãnh đạo có thể sử dụng để thúc đẩy quá trình cải cách giáo dục tại một địa phương. Kỳ thi tốt nghiệp THPT được xem là một kỳ thi quan trọng nhất của giai đoạn GDPT, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc nó phải là một kỳ thi căng thẳng. Ngược lại, do bản chất là một kỳ thi đánh giá năng lực chứ không phải là một kỳ thi cạnh tranh, kỳ thi tốt nghiệp phải được tổ chức để không tạo áp lực cho người học. Cách tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT ở Hoa Kỳ cho thấy đây thật sự là một kỳ thi nhẹ nhàng nhưng nghiêm túc và có giá trị, đánh giá được năng lực thật của người học, đồng thời cung cấp được những thông tin cần thiết cho giáo viên, cho nhà trường, và cho các nhà chính sách để cải thiện hệ thống GDPT theo những mục tiêu mong muốn.
Đổi mới giáo dục là một vấn đề quan trọng và sống còn, quyết định sự tồn vong của một đất nước. Để đưa giáo dục – đào tạo Việt Nam nhanh chóng có một diện mạo mới của một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW, đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội, các cấp, các ngành, trong đó vai trò của ngành giáo dục là hết sức quan trọng. Để đổi mới giáo dục thành công chúng ta phải đánh giá đúng những gì đã và chưa làm được, tìm ra nguyên nhân cơ bản để có cơ sở “kê đơn”, đồng thời thực hiện “đổi mới” dựa trên cơ sở khoa học thay vì dựa vào kinh nghiệm như trước đây. Xác định vấn đề cần đột phá từ đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ giáo viên, vấn đề đánh giá, kiểm tra thi cử… như kinh nghiệm của một số nước tiên tiến đã thực hiện thành công.
TS. Bùi Việt Phú
(Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam)
Ý kiến bạn đọc