Multimedia Đọc Báo in

Gian nan đường đến trường của H'Sri Mlô

09:38, 01/06/2014
H’Sri Mlô, nữ sinh người dân tộc Êđê (sinh viên năm 2, ngành Giáo dục Tiểu học, khoa Sư phạm, Trường Đại học Tây Nguyên) chịu nhiều khó khăn, vất vả trong cuộc sống, nhưng vẫn nổi bật về thành tích học tập. Ít sinh viên nào có thể vừa học giỏi vừa gồng gánh công việc gia đình, tranh thủ làm thêm sau giờ học để giúp chính mình và đỡ đần cho người mẹ đang bị suy tim độ 3 như sơn nữ này.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, mẹ con em ít nhận được sự quan tâm của người bố; riêng mẹ thì thường xuyên ốm đau phải vào bệnh viện liên tục, nên tuổi thơ của H’Sri Mlô không có được những ngày vui trọn vẹn. Em sớm quen với công việc nương rẫy của gia đình từ thời học cấp II, III. Khi trở thành cô sinh viên của trường đại học em lại quần quật làm thuê trong dịp hè hoặc ngày nghỉ để có tiền trang trải học hành và thuốc men cho mẹ, nhưng điều đáng quý là em luôn đạt học lực khá, giỏi. Thương con nhọc nhằn lại chăm học, người mẹ già yếu H’Bi Mlô (phường Đạt Hiếu, Buôn Hồ) chỉ biết động viên con cố giữ lấy con chữ, để sau này kiếm được cái nghề ổn định. Vâng lời mẹ, H’Sri Mlô cố gắng chăm chỉ đèn sách. Khi được hỏi lý do chọn ngành Giáo dục Tiểu học, em chia sẻ: ngành này không tốn học phí nên gia đình em bớt được phần gánh nặng. Nhưng hơn hết, em muốn làm cô giáo, về làm việc tại quê hương, dạy chữ cho các em nhỏ trong buôn làng.

H’Sri Mlô (ngoài cùng) tranh thủ lên thư viện ôn bài cho kỳ thi sắp tới.
H’Sri Mlô (ngoài cùng) tranh thủ lên thư viện ôn bài cho kỳ thi sắp tới.

2 năm học – nửa quãng đời sinh viên của H’Sri Mlô vất vả không kém tuổi thơ chút nào. Để có tiền ăn học và trang trải cuộc sống ở thành phố, H’Sri Mlô làm thêm đủ việc. Sáng bưng bê ở quán bún (900 nghìn/tháng), tối tranh thủ chạy bàn ở quán chè (700 nghìn/tháng). Số tiền kiếm được mỗi tháng, em chia nhỏ từng khoản và không quên dành khoản lớn nhất mang về cho mẹ trị bệnh. Cách đây 2 tuần, khi em đang bận bịu với các môn thi giữa kỳ thì nhận được tin dữ: mẹ nhập viện vì suy tim độ 3. Lo mẹ tuổi cao, sức yếu, thiếu người chăm sóc nên H’Sri Mlô bắt xe buýt về Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ để chăm mẹ sau mỗi ngày thi giữa kỳ. Nửa tháng liên tục, quãng đường từ Buôn Hồ lên trường học trở nên quen thuộc với em như con đường mỗi ngày từ giảng đường về phòng trọ. Mắt em như nhòa lệ khi nhắc đến người mẹ: “Từ ngày mẹ ốm đau, đất vườn nhà phải cắt khúc bán dần, vật dụng quý giá trong nhà cũng đội nón ra đi mà vẫn không đủ tiền chữa chạy. Nhìn mẹ tuổi càng cao, tiều tụy, em thấy xót xa lắm…!”                 

Vất vả là vậy, lại thêm áp lực chuyện gia đình, nhưng H’Sri Mlô vẫn luôn nỗ lực trong học tập. Ngoài việc học trên lớp, em còn theo học thêm Chứng chỉ B Anh Văn và Tin học văn phòng để phục vụ cho nghề nghiệp tương lai. Em cho biết, việc học tốt là niềm an ủi duy nhất mà mẹ cần ở em. Kết thúc mỗi học kỳ, H’Sri Mlô luôn là sinh viên khá, giỏi của trường và “ẵm” đều học bổng trong sự thán phục của bạn bè. Chạy đua với kỳ thi sắp đến, H’Sri Mlô xin nghỉ làm thêm buổi tối để tập trung ôn bài. Thư viện của trường là điểm học tập mà em tin cậy nhất sau một ngày làm việc, học hành vất vả. Hứa Thị Mến, người bạn dân tộc Tày, chung lớp với H’Sri Mlô nói: “Mình rất khâm phục nghị lực vượt khó của bạn ấy, vừa phải lo việc học, vừa làm thêm kiếm tiền giúp mẹ chữa bệnh nhưng bạn vẫn luôn giữ thành tích tốt trong học tập. Đây là tấm gương sáng cho bọn mình noi theo”. Các thầy cô, bạn bè cũng luôn ở bên H’Sri Mlô, mong em sớm vượt qua khó khăn, giữ vững phong độ học tập…

 Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.