Multimedia Đọc Báo in

Nên dạy cho con kỹ năng sống

14:51, 06/06/2014
Hiện nay, nhiều bạn trẻ vì thiếu kỹ năng sống (KNS) mà có những suy nghĩ và hành động lệch lạc.
 
Phần lớn các em chỉ thích hành động theo sở thích của bản thân, chưa có chuẩn mực và sự kiên định trong cuộc sống. Vì thế, không ít trẻ khi lớn lên hư hỏng, ứng xử một cách thiếu văn hóa trong giao tiếp, thậm chí còn có những hành vi gây ra những lỗi lầm nghiêm trọng … trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh luôn nghĩ rằng: họ đang cố gắng hết sức để mang đến những điều tốt đẹp nhất cho con cái của mình. Điều này thể hiện thông qua việc họ cố gắng làm lụng để kiếm tiền mà chăm lo cho con cái có được cái ăn, cái mặc đầy đủ và được học đến nơi đến chốn là đủ. Còn việc trang bị những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống cho trẻ, giúp trẻ biết hoàn thiện nhân cách trở thành người tốt, người có ích cho xã hội thì hầu như ít được phụ huynh quan tâm đến. 

Như chúng ta biết, KNS là những điều cơ bản và cần thiết nhất đối với mỗi con người trong giao tiếp hằng ngày. Đó là một điều rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách của mỗi con người, đặc biệt là ở thế hệ trẻ. Nó giúp cho các em luôn có được sự tự tin, chủ động, khả năng ứng xử tốt trước mọi tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống và là hành trang giúp các em luôn vững bước trên đường đời.

Giáo dục KNS cho giới trẻ điều trước tiên cần xác định đây là một việc làm rất cần thiết, được thực hiện thường xuyên, liên tục và lâu dài trong cuộc sống của mỗi con người. Đó là trách nhiệm và là bổn phận của những bậc làm cha, làm mẹ, những người lớn trong gia đình để giúp các em tiếp thu những tri thức khoa học và vận dụng vào đời sống thực tiễn một cách hợp lý.

Dạy KNS cho trẻ là phải được thực hiện từ chính những trải nghiệm thực tế của mỗi cá nhân, gia đình (tùy theo hoàn cảnh của mỗi gia đình mà có biện pháp giáo dục KNS cho trẻ một cách phù hợp).  Qua lối sống thực tế hằng ngày mà phụ huynh kịp thời chỉ ra cho trẻ phân biệt được cái đúng, cái sai; những việc nên làm và những điều không nên làm; những điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Từ đó, giúp trẻ có được sự chuẩn mực nhất định để suy nghĩ và hành động đúng đắn; biết cách xử lý mọi tình huống trong giao tiếp.

Điều quan trọng là cha mẹ dạy KNS cho con cái thông qua lời ăn tiếng nói hằng ngày trong giao tiếp. Đó là dạy cách đi đứng, cư xử, tôn ti trật tự, cách đối nhân xử thế, lối sống có văn hóa … Song song với việc làm đó, phụ huynh nên chỉ ra những cái xấu, cái xã hội phê phán để trẻ thấy đó mà tránh xa. Tùy theo lứa tuổi và điều kiện cuộc sống gia đình mà phụ huynh nên chọn cách để giáo dục trẻ cho thích hợp. Và đích cuối cùng là giúp cho trẻ nhận thức được vấn đề: Trong cuộc sống, để trở thành người tốt thì phải có lòng vị tha, biết thông cảm và lắng nghe, tôn trọng ý kiến của người khác. Bất cứ làm việc gì cũng phải có sự suy nghĩ kỹ càng, chín chắn trước khi đưa ra quyết định; phải biết, lường trước hết hậu quả sẽ xảy ra và bản thân phải là người có đủ khả năng để giải quyết được vấn đề.

Bên cạnh đó, dạy KNS cho trẻ cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình - xã hội và nhà trường. Thông qua nhà trường, gia đình nắm bắt được tình hình thực tại về trẻ để chung tay cùng nhà trường giáo dục trẻ nên người. Được biết, có người còn chọn cách thường xuyên cho trẻ tự do tham gia, hòa nhập vào cộng đồng, tạo điều kiện để trẻ có cơ hội đối mặt với những khó khăn, thách thức và thích nghi với cuộc sống thực tại ở mọi lúc, mọi nơi; từ đó đúc kết được những kinh nghiệm có giá trị, làm hành trang vững bước vào đời. 

Để làm được điều đó, các bậc phụ huynh cần phải có sự quan tâm thường xuyên, đúng mức, luôn tìm hiểu những hoạt động, luôn lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của con cái mình… Đồng thời, phát hiện những việc làm sai trái mà trẻ gây ra (nếu có) để kịp thời can thiệp, uốn nắn, giáo dục trẻ nên người. Phải luôn ý thức trách nhiệm của bản thân trong việc giáo dục con cái và hãy là tấm gương sáng để chúng noi theo.

Nguyễn Văn Dô


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.