Multimedia Đọc Báo in

Giỏi nhiều cũng... lo!

10:38, 06/06/2014
Năm học 2013-2014 đã khép lại. Dĩ nhiên, điều quan tâm nhất của các bậc phụ huynh là thành tích học tập, xếp loại của con em mình. Chỉ có điều danh hiệu mà con em mình đạt được không còn là cơ sở để phụ huynh hoàn toàn tin cậy nữa bởi thực tế đã và đang xảy ra tình trạng “bội thực”, “bão hòa” về số học sinh giỏi, nhất là ở bậc tiểu học.

Chẳng đâu xa, mới hôm rồi, thấy đứa cháu học lớp 4 đi tổng kết năm học về, tay ôm một gói quà kèm theo giấy khen đạt danh hiệu học sinh giỏi, tôi tỏ ý khen ngợi. Chưa kịp chia vui thì cháu bảo ở lớp cháu chỉ có một vài bạn đạt học sinh tiên tiến, còn lại là… giỏi hết. Tôi ngạc nhiên. Đem câu chuyện ấy kể cho một người bạn đồng nghiệp thì hóa ra đó chẳng phải là chuyện lạ và cá biệt vì lớp của cô con gái chị, tổng kết năm học này hầu hết cũng là học sinh giỏi. Tôi cứ băn khoăn mãi: không lẽ tỷ lệ học sinh giỏi trong một lớp đến 30-40 em lại nhiều đến thế!? Tỷ lệ học sinh giỏi càng cao mà thực chất thì đáng vui quá đi chứ!. Nhưng giỏi nhiều mà chỉ vì để chạy theo căn bệnh thành tích thì đáng lo thật!. Vậy nên mới có chuyện, ngày trước đi học, một lớp được vài ba học sinh giỏi là các em vinh dự lắm khi ngày tổng kết được xướng tên và đứng trước toàn trường nhận giấy khen, phụ huynh cũng tự hào lắm. Còn giỏi nhiều đến mức mà giáo viên nhiều trường phải đem giấy khen về lớp và phát cho học sinh thì có lẽ sự quý trọng của danh hiệu ấy đã giảm đi rất nhiều nếu không nói là các em không còn thấy giá trị của niềm vinh dự đó nữa. Tất nhiên không phủ nhận những đổi mới, cải cách của ngành Giáo dục, công lao giảng dạy, học tập của thầy cô giáo và học sinh. Nhưng sự nâng cao về nhận thức, chất lượng giáo dục cũng không thể tạo nên sự “đột biến” về số lượng học sinh giỏi như vậy.

Nhiều phụ huynh trải lòng: Thấy con cầm giấy khen học sinh giỏi về mà thêm lo vì hơn ai hết họ là người gần gũi và ít nhiều biết năng lực của con em mình hơn cả. Ngẫm ra thì họ lo là đúng, nhất là với bậc tiểu học, danh hiệu, phần thưởng không đúng thực chất còn dễ làm các em học sinh nhầm tưởng, ngộ nhận về năng lực học tập của mình. Không lo sao được nếu thành tích ảo ấy sẽ “ru ngủ” con em của họ, rồi các em sẽ không tự lượng được sức mình trong tương lai và ảnh hưởng đến suốt chặng đường học tập, thi cử, lựa chọn nghề nghiệp sau này.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc