Multimedia Đọc Báo in

Phổ cập Giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi - Cần sự vào cuộc của các địa phương

10:37, 02/06/2014
Theo lộ trình, Dak Lak sẽ hoàn thành Phổ cập Giáo dục Mầm non (PCGDMN) cho trẻ 5 tuổi vào tháng 6-2015, nhưng xem ra mục tiêu này rất khó về đích đúng hẹn!

Ngành Giáo dục sốt ruột bởi thời gian chỉ còn tính bằng ngày, nhưng bậc học này đang ngổn ngang những vấn đề cần giải quyết. “Trong 3 tiêu chí: cơ sở vật chất - trang thiết bị, đội ngũ giáo viên và chất lượng chăm sóc - giáo dục trẻ, cố gắng lắm cũng chỉ hoàn thành hai tiêu chí, còn tiêu chí cơ sở vật chất - trang thiết bị thì “lực bất tòng tâm”, do nguồn kinh phí hạn hẹp” – Đó là ý kiến của Giám đốc Sở GD-ĐT Phan Hồng tại Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện PCGDMN cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2011-2014 tổ chức vào cuối tháng 5-2014. Theo Đề án được phê duyệt giai đoạn 2011-2015, Dak Lak cần hơn 400 tỷ đồng cho công tác PCGDMN cho trẻ 5 tuổi, nhưng đến nay cũng chỉ mới đáp ứng được gần 2/3 nhu cầu, do đó ảnh hướng đến tiến độ và chất lượng triển khai Đề án. Vì vậy, nhiều xã được công nhận hoàn thành PCGDMN cho trẻ 5 tuổi, nhưng vẫn nợ một số tiêu chí như môi trường, cơ sở vật chất.

Giờ tô màu của các bé Trường Mẫu giáo mầm non thị trấn Krông K’mar (huyện Krông Bông).
Giờ tô màu của các bé Trường Mẫu giáo mầm non thị trấn Krông K’mar (huyện Krông Bông).

Bậc học mầm non có vai trò quan trọng trong việc giáo dục thể chất, tinh thần, là bước khởi đầu để trẻ làm quen với thế giới chung quanh và hình thành nhân cách. Dù những năm gần đây, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách ưu tiên phát triển bậc học này, nhưng nhìn chung vẫn còn xảy ra tình trạng, nhiều địa phương trong tỉnh có không ít trẻ trong độ tuổi phải học nhờ trong gần 350 phòng học tạm, mượn; hơn 1.000 trường, điểm trường chưa có công trình nước sạch, nhà vệ sinh, 33 trường và trên 700 lớp học 5 tuổi chưa có đồ chơi ngoài trời, bộ đồ chơi trong lớp. Hãy nhìn vào bảng thống kê chi tiết các hạng mục đầu tư còn khá khiêm tốn cho bậc học mầm non của một vài địa phương trong những năm gần đây: năm học 2013-2014, huyện Buôn Đôn chỉ cải tạo và xây mới 1 bếp ăn; huyện Lak xây dựng mới 1 phòng học, cải tạo, nâng cấp 1 bếp ăn và xây dựng mới 2 công trình vệ sinh; huyện Krông Buk chỉ xây dựng mới 3 phòng học… thì đủ thấy việc học hành, sinh hoạt, vui chơi của một bộ phận không nhỏ các cháu học lớp mầm non còn khó khăn, thiếu thốn đến nhường nào(!) Chưa kể hiện còn 15 trường của bậc học này chưa có hiệu trưởng, thiếu 103 phó hiệu trưởng và 67 định biên giáo viên đứng lớp theo quy định; nhiều phòng GD-ĐT không bố trí cán bộ chuyên trách công tác mầm non; 47 trường và 518 điểm trường chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 2 xã trắng trường mầm non… Ngay tại TP. Buôn Ma Thuột, vẫn còn khá phổ biến tình trạng 45-50 cháu chen chúc ăn, ngủ, học trong phòng học chật hẹp. (Điều lệ Trường mầm non quy định:  trẻ từ 3 - 4 tuổi không quá 25 cháu/lớp, trẻ 4-5 tuổi là 30 cháu và 5-6 tuổi là 35 cháu).

Thẳng thắn nhìn nhận rằng, gốc rễ của vấn đề là cái tâm của lãnh đạo đứng đầu các địa phương. Ở những nơi được quan tâm thì từ cơ sở vật chất, trang thiết bị đến đội ngũ giáo viên… được đáp ứng kịp thời, trẻ được nuôi dưỡng, chăm sóc trong môi trường đầy đủ, an toàn, và ngược lại ở những nơi thiếu sự quan tâm thì mọi chuyện vẫn như cũ. Và do vậy, người chịu thiệt thòi vẫn là các cháu – những mầm non tương lai của đất nước.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc