Multimedia Đọc Báo in

"Nick Vujicic của mẹ!"

09:46, 20/07/2014

3 năm sau ngày chào đời, bố mẹ quay trở lại bệnh viện xin giấy chứng sinh bác sĩ không tin em còn sống; vào lớp 1 cô giáo khuyên mẹ  cho em ở nhà vì không viết được chữ, vậy mà cậu bé ấy đã dự thi khối A Trường Đại học Tây Nguyên với một niềm tin mãnh liệt: nếu không trở thành sinh viên Công nghệ thông tin, em tiếp tục theo đuổi ước mơ này ở một trường nghề.

Như nhiều phụ huynh có con thi đại học, chị Nguyễn Thị Loan, mẹ cậu học trò kém may mắn ấy - Nguyễn Anh Thương - đến từ thôn Thuận Nam (xã Thuận Hạnh, huyện Dak Song, tỉnh Dak Nông) đứng ngồi không yên suốt những ngày diễn ra đợt 1 của kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014. Sau khi chở con đến trước cổng điểm thi Trường THPT thực hành Cao Nguyên, chị trở về ký túc xá cầu mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với con trai. Chị Loan chia sẻ: “Lúc chào đời, hai chân của Thương không có bàn chân, bàn tay phải chỉ có 4 ngón. Cơ  địa yếu nên em thường hay đau yếu, trung bình mỗi tháng phải nằm viện hơn 20 ngày”. Hai vợ chồng đã đưa con đi điều trị ở nhiều bệnh viện với hy vọng giúp con đi lại bình thường. Niềm hy vọng tắt lịm, khi bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nhi Thụy Điển kết luận: chỉ có thể làm chân giả khi Thương qua 18 tuổi. Giấu nỗi đau tận đáy lòng, chị luôn động viên con và cũng động viên chính mình: cố gắng học lấy cái chữ. “Cố lên con! Con học giỏi mà! – hàng ngàn lần chị cổ vũ con vượt lên khó khăn trong học tập, trong cuộc sống. Vừa kết thúc môn thi đầu tiên, Thương trở về ký túc xá với gương mặt ỉu xìu, em nói: “Mình về thôi mẹ, không thi nữa. Đề Toán khó quá! Con chỉ làm được vài câu, chắc không đỗ đâu!”. Lo lắng không kém, nhưng chị Loan trấn tĩnh con: “Không sao đâu, còn những hai môn thi nữa cơ mà, chỉ cần không bị điểm liệt, mẹ tin con sẽ đủ điểm đỗ!”. Nhận được sự cổ vũ từ mẹ, Thương lấy lại tinh thần và như được tiếp thêm nghị lực hoàn thành tốt bài thi hai môn Lý, Hóa.
Chị Loan luôn ở bên cạnh động viên con trai sau mỗi buổi thi.
Chị Loan luôn ở bên cạnh động viên con trai sau mỗi buổi thi.

Nhìn cơ thể Thương không lành lặn, cả nhà động viên em nên thi ngành Y Dược, bởi nếu không xin được việc làm ở cơ quan nhà nước, thì vẫn có thể mở một tiệm bán thuốc tây ở gần nhà. Nhưng Thương lại có suy nghĩ khác, em thích học ngành Công nghệ thông tin vì xem ti vi, lên mạng em thấy nhiều người người khuyết tật như em rất thành công trong lĩnh vực này. Nếu không xin được việc làm, em sẽ mở tiệm để sửa chữa điện tử cho bà con nơi vùng quê nghèo. “Em chỉ thi một ngành duy nhất, bởi nếu tiếp tục đi thi mẹ sẽ khổ thêm. Vì vậy em sẽ chỉ dự thi đại học một đợt duy nhất. Không thi đỗ vào Trường Đại học Tây Nguyên em tiếp tục theo đuổi ước mơ trở thành thợ điện tử ở một trường nghề”, Thương quả quyết.

Nhìn dáng mẹ Thương tất tả, trông già hơn so tuổi 41, tôi hiểu những vất vả của người mẹ sinh con không may bị khuyết tật. Hơn 12 năm nay, bất kể mưa hay nắng, chị Loan đều đưa con đến lớp. Còn nhớ, ngày Thương vào lớp 1, sau vài ngày học, cô giáo gặp riêng chia sẻ vất vả, đồng thời động viên chân thành: “Chị nên cho cháu ở nhà bởi nếu có tiếp tục cháu vẫn không thể viết được chữ!”. Nhìn con ngồi nhỏ thó nơi góc lớp, hồn nhiên đùa giỡn với các bạn, lòng chị Loan đau như ai xát muối, giấu vội hai hàng nước mắt vào lòng, chị đề nghị: “Cô giáo cho học cùng học một tháng. Sau thời gian đó, nếu cháu vẫn không viết được, tôi cho cháu nghỉ”. Gác lại mọi công việc, chị vào lớp cùng con, hướng dẫn con cầm bút, đồ từng nét xiên, nét thẳng… Những con chữ nghệch ngoạch rồi cũng thành hình, cô giáo đồng ý tiếp nhận Thương vào học. Ròng rã suốt những năm của bậc tiểu học và trung học cơ sở, chị Loan luôn đồng hành cùng con trai đến trường. Khi Thương vào THPT, nhà cách xa trường hơn 15 km, hằng ngày chị lại đèo con ra bến xe buýt cách nhà gần 1 km để con đến trường. Chị nắm rõ thời khóa biểu từng ngày, từng buổi học của Thương để có mặt đón đưa em đúng giờ. Lúc chia tay chúng tôi, chị nói: dù Thương có đỗ đại học hay không thì với chị ngày con dự vào thi ngành mình mơ ước đã là thành công lớn bởi cả hai mẹ con đã cùng vượt lên chính mình! Nếu thế giới tôn vinh Nick Vujicic, - thì con trai chính là Nick Vujicic của riêng mẹ.

Nguyên Hoa 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.