Multimedia Đọc Báo in

Sau 3 năm thực hiện Nghị định 49: Hỗ trợ chi phí học tập nên căn cứ vào nhu cầu thực tế của học sinh

14:15, 01/07/2014

Trong đợt giám sát chuyên đề thực hiện Nghị định 49 về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh sinh viên (HSSV) giai đoạn 2011-2013 vừa diễn ra vào trung tuần tháng 6, vấn đề được nhiều địa phương kiến nghị với Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) là nên linh động trong việc hỗ trợ chi phí học tập theo nhu cầu, tránh lãng phí.

Ban Văn hóa xã hội - HĐND tỉnh làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo
Ban Văn hóa - Xã hội - HĐND tỉnh làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo

Hỗ trợ chi phí học tập bằng hiện vật gồm sách giáo khoa (SGK), vở viết và dụng cụ học tập thiết yếu hay cấp tiền mặt cho cha mẹ học sinh là câu chuyện không mới và còn nhiều ý kiến trái chiều, dù đã thực hiện được 3 năm. Người ủng hộ việc hỗ trợ chi phí học tập bằng hiện vật cho rằng, nếu cấp tiền mặt phụ huynh sẽ không sử dụng đúng mục đích, bởi đối tượng được thụ hưởng chính sách ưu đãi này chủ yếu là học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh dân tộc thiểu số ít người nên cha mẹ các em có thể sử dụng nguồn kinh phí này vào mục đích khác. Chưa kể, phụ huynh không nắm rõ danh mục các loại sách nên khó mua đúng theo yêu cầu chương trình học. Vì vậy, có một đơn vị đứng ra lo hộ sẽ giúp phụ huynh bớt đi gánh nặng, đồng thời bảo đảm đủ sách vở để các cháu học tập. Những người ủng hộ việc hỗ trợ bằng tiền mặt cũng có cái lý riêng: chi phí học tập đâu chỉ có  SGK, vở viết, dụng cụ học tập mà còn nhiều thứ khác nữa. Nếu các em mượn SGK của bạn hoặc tận dụng sách cũ của anh, chị trong gia đình, dòng tộc đương nhiên tiết kiệm được một khoản tiền để mua quần áo, cặp sách… Trước những ý kiến trái chiều trên, tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định 49 của Chính phủ, UBND tỉnh đã giao Sở GD-ĐT thực hiện việc hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2013-2014 thay Sở LĐTB&XH; lý do là vì ngành giáo dục quản lý số lượng học sinh, nắm rõ danh mục SGK từng lớp, bậc học. UBND tỉnh cũng có chủ trương nếu địa phương nào bảo đảm học sinh có đủ SGK, vở viết, dụng cụ học tập sẽ nhận tiền mặt thay vì cấp bằng hiện vật. Tuy nhiên không có lãnh đạo địa phương nào cam kết điều này. Vì vậy, năm học 2013-2014 chi phí hỗ trợ học tập được cấp bằng hiện vật. Rút kinh nghiệm qua 2 năm do Sở LĐTB&XH thực hiện, Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường nắm số lượng học sinh, thông báo rộng rãi đến phụ huynh có con em được thụ hưởng chính sách; đồng thời tổ chức cấp, phát sớm bảo đảm học sinh có đủ SGK, tập vở, dụng cụ học tập trước ngày khai giảng năm học mới để hạn chế tình trạng cấp phát chậm như trước đây. Làm việc với Ban Văn hóa-Xã hội (HĐND tỉnh), lãnh đạo Sở GD-ĐT khẳng định: đến thời điểm này (tức là sau một năm thực hiện hỗ trợ chi phí học tập bằng hiện vật), sở không nhận được bất cứ phản ánh, kiến nghị nào từ các trường cũng như phòng GD-ĐT.

Phòng GD-ĐT huyện Krông Năng cấp phát SGK, vở viết cho học sinh.
Phòng GD-ĐT huyện Krông Năng cấp phát sách giáo khoa, vở viết cho học sinh.

 Trong khuôn khổ bài viết này, không lạm bàn việc tại sao lãnh đạo các địa phương không dám cam kết bảo đảm đủ SGK cho học sinh, nhưng trong quá trình giám sát, một vài đơn vị đề xuất không tiếp tục hỗ trợ chi phí học tập bằng hiện vật bởi có một thực tế là rất nhiều học sinh có thể tận dụng SGK, dụng cụ học tập cũ của anh chị, người quen… Một đại biểu của huyện Krông Buk dẫn chứng: một học sinh có đến 3 bộ SGK, ông bố nghiện thuốc lào, nên đều đặn hằng ngày xé từng trang SGK của con làm mồi hút thuốc! Còn một đại biểu của huyện Krông Ana kể: một gia đình có 3 đứa con học phổ thông, liên tục từ năm 2011 đến nay, mỗi em được cấp một bộ SGK. Năm nay, các em tiếp tục được cấp sách chắc chắn thừa! Chính vì vậy, tại buổi giám sát, đại diện lãnh đạo Phòng Tài chính huyện Krông Ana thẳng thắn nói: “Người được thụ hưởng chính sách này là cha mẹ học sinh. Vậy thì số tiền hỗ trợ phải do đối tượng thụ hưởng quyết định, không nên áp đặt theo ý nghĩ chủ quan của một số ít cá nhân”. Đồng quan điểm này, bà Võ Thị Hạnh, thành viên Ban Văn hóa-Xã hội cho rằng: mục 3, Điều 7 của Nghị định 49 quy định: “Nhà nước thực hiện hỗ trợ chi phí học tập trực tiếp cho các đối tượng quy định tại Điều 6 Nghị định này với mức 70.000 đồng/học sinh/tháng để mua SGK, vở và các đồ dùng khác... thời gian được hưởng theo thời gian học thực tế và không quá 9 tháng/năm học”. Mới đây nhất, ngày 30-5-2014, Liên bộ GD-ĐT, LĐTB&XH và Tài Chính ban hành Thông tư 20 hướng dẫn thực hiện Nghị định 49 và Nghị định 74, Điều 10 và Điều 11 quy định rõ hơn: “Phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm chi trả, quyết toán kinh phí hỗ trợ chi phí học tập cho cha mẹ học sinh (hoặc người giám hộ) trực tiếp bằng tiền mặt”. Như vậy, UBND tỉnh giao cho Sở GD-ĐT tiếp tục thực hiện việc mua SGK, vở viết và dụng cụ thiết yếu cho học sinh thuộc diện được hỗ trợ theo Nghị định 49 và Nghị định 74 trong năm học 2014-2015 (Công văn số 3336/UBND-VHXH) ngày 20-5-2014 là không đúng với tinh thần của Thông tư liên bộ 20.

Ba năm qua, toàn tỉnh có hơn 761 nghìn lượt học sinh được cấp SGK, vở viết và dụng cụ học tập với tổng trị giá gần 290 tỷ đồng. Đây là khoản tiền không nhỏ đối với một tỉnh còn khó khăn như Dak Lak. Qua đây cho thấy quá trình thực hiện  một chính sách ưu đãi cần linh động trên cơ sở nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đối tượng thụ hưởng để những hỗ trợ này thực sự phát huy hiệu quả, tránh lãng phí, nhất là ở thời điểm cả nước đang đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc