Multimedia Đọc Báo in

Một học sinh người Mông vượt khó thi đỗ đại học

09:41, 10/09/2014
Cầm trên tay giấy báo nhập học vào khoa Kinh tế Nông lâm, Trường Đại học Tây Nguyên, cậu học trò người Mông Đào Văn Tài vừa mừng vừa lo.
 
Mừng vì ở cái thôn Noh Prông, xã Hòa Phong (Krông Bông) này chẳng có mấy học trò người Mông học hết THPT chứ đừng nói đến chuyện vào đại học, lo vì gia đình Tài giờ chẳng biết lấy tiền đâu để cho cậu lên thành phố nhập học và nộp học đầu kỳ.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Cao Bằng, khi mới lên 3 tuổi Tài đã cùng bố mẹ vượt hàng nghìn cây số đến Tây Nguyên lập nghiệp. Nơi quê hương mới, dù điều kiện thuận lợi hơn song đói nghèo vẫn cứ đeo đuổi gia đình Tài. Cả nhà 6 người chỉ trông chờ vào thu nhập từ hơn 1ha đất đồi, lo cái ăn hằng ngày đã khó, việc học của Tài và các anh chị em trong nhà cũng gập ghềnh hơn. Mãi đến năm 2002 trong thôn mới có trường học, vì thế Tài phải học chậm hơn 2 năm so với bạn bè cùng trang lứa. Khi vào THCS, hằng ngày em phải vượt 9 km đường đèo dốc để đến trường, không ít bạn bè cùng thôn đã bỏ học giữa chừng vì ngại đến trường mùa mưa lũ, riêng Tài vẫn kiên trì bám trụ. Học hết THCS, hầu hết con gái, con trai trong thôn rủ nhau nghỉ học cưới vợ, lấy chồng khi còn tuổi thiếu niên, trong thôn chỉ còn Tài và 4 học sinh khác tiếp tục học lên THPT. Bố Tài là ông Đào Văn Sự kể: “Nhà nghèo đến nỗi nhà cũng do Nhà nước hỗ trợ làm cho theo Chương trình 167. Khi Tài học lên THPT, cả nhà cũng lo lắm vì tiền ăn, ở trọ tốn kém nhưng thấy con ham học quá nên vợ chồng mình phải cố gắng. Em của Tài là Đào Văn Bài học hết THCS đã phải nghỉ học phụ giúp gia đình”. 

Không phụ lòng bố mẹ, Tài siêng năng, chăm chỉ học hành. Khi học ở lớp chưa hiểu thì trao đổi với bạn bè hoặc nhờ thầy giảng thêm, về nhà Tài sắp xếp thời gian hợp lý để vừa giúp bố mẹ công việc đồng áng vừa học và làm bài tập. Trong suốt những năm học phổ thông, cậu luôn đạt danh hiệu  học sinh tiên tiến. Để ôn thi vào đại học, vì không có tiền học ôn ở các lò luyện thi nên Tài phải tự học ôn ở nhà. Thế mà cậu học trò nhỏ ấy đã làm nên kỳ tích, trở thành học sinh người Mông đầu tiên ở thôn Noh Prông thi đỗ vào đại học. Được hỏi vì sao chọn ngành kinh tế nông lâm, Tài tâm sự: “Đồng bào trong thôn mình chỉ quen canh tác những cây ngắn ngày, giá trị kinh tế không cao nên cái nghèo cứ mãi quẩn quanh. Em chọn ngành kinh tế nông lâm là mong muốn có kiến thức để sau này về giúp cho gia đình mình và bà con trong thôn thay đổi tập quán canh tác cũ để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Em cũng muốn sau này sẽ xây dựng quỹ khuyến học của thôn để hỗ trợ những học sinh nghèo vượt khó học giỏi…”.

Dù con đường phía trước còn lắm chông gai nhưng với nghị lực vượt khó của cậu học trò người Mông, tin rằng những ước mơ của em sẽ trở thành hiện thực.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.