Multimedia Đọc Báo in

Những điều đáng quan tâm về vấn đề sử dụng điện thoại di động trong học sinh, sinh viên

08:32, 11/10/2014
Trong cuộc sống xã hội hiện đại, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, sự bùng nổ thông tin thì hình ảnh chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ) trở nên phổ biến và gần như là vật dụng không thể thiếu đối với nhiều người. Không chỉ với người lớn, nhiều gia đình cũng đã không tiếc tiền sắm cho con trẻ những chiếc ĐTDĐ hợp thời trang, thể hiện "đẳng cấp" trước bạn bè.

Với không ít học sinh, sinh viên, chiếc ĐTDĐ đã trở thành vật bất ly thân, giúp họ thuận tiện trong học tập, sinh hoạt, chia sẻ thông tin, thể hiện cá tính và các nhu cầu khác. Còn nhớ cách đây gần 10 năm, giá cả của ĐTDĐ không hề nhỏ cộng với cước phí cao nên thật không dễ dàng để một sinh viên sở hữu một chiếc ĐTDĐ... Ngày nay thì đơn giản hơn nhiều, các hãng ĐTDĐ “mọc lên như nấm”, cùng đó là các nhà mạng cạnh tranh với đủ các ưu đãi, thậm chí gần đây các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin một nhà mạng dành chế độ ưu đãi cho khách hàng từ 5-9 tuổi dùng ĐTDĐ… Nhiều diễn đàn mạng xã hội được các bạn trẻ lập nên từ chiếc điện thoại di động đã giúp nối liền khoảng cách, chỉ cần vài thao tác đơn giản, các bạn đã có thể kêu gọi được nhiều bạn bè sẻ giọt máu đào cho bệnh nhân cấp cứu, chỉ một vài dòng "status" (tâm trạng) đơn giản được “up” lên đã tạo thành những “sự kiện” giải trí, các hoạt động vì cộng đồng…

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực từ chiếc ĐTDĐ và người sử dụng nó mang lại, thì với sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến, không ít cô, cậu học trò đã "năng động" khai thác triệt để tính năng của ĐTDĐ, bày ra những trò "độc" mà cha mẹ, thầy cô không thể ngờ tới và kéo theo là những hệ lụy cũng không hề nhỏ. Những hình ảnh không đẹp như: học sinh gây gổ đánh nhau, những thước phim “đen” ở bất kỳ nơi nào chỉ cần trong nháy mắt là cả xã hội đều biết tới; những lời thách đố chỉ xuất pháttừ cái “tôi” bé nhỏ cũng biến thành những cuộc đụng độ mà hậu quả kẻ mất, người tù tội; rồi đến những tâm hồn ngây thơ trong trắng bỗng chốc vẩn đục từ các cuộc “chát chít” facebook, zalo thông qua chiếc diện thoại di động.

Đó là chưa kể tới những nguy cơ tiềm ẩn từ các bức xạ điện thoại ảnh hưởng đến sức khỏe liên tục được cảnh báo như: ảnh hưởng nội bài tiết nữ giới, gây tai điếc vĩnh viễn, tăng nguy cơ mắc u não, mắc bệnh đục thủy tinh thể, gây loãng xương cốt, chứng “viêm da điện thoại”… tác động một cách từ từ, gián tiếp mà người sử dụng không thể nhận biết ngay.

Khi bàn luận về việc sử dụng ĐTDĐ trong học sinh, sinh viên, một bạn trẻ đã bày tỏ quan điểm thẳng thắn và dẫn chứng ví dụ cụ thể mà bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng nhận ra đó là việc ảnh hưởng đến học tập: “Tôi tin chắc rằng, công việc học tập của bạn cũng sẽ một phần nào đó bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng điện thoại. Vì sao tôi nói vậy? Bởi vì trong số các bạn có rất nhiều người dùng điện thoại mà bỏ bê việc học. Ở lứa tuổi này, các bạn sẽ ít gọi điện nói chuyện với nhau mà chỉ nhắn tin. Như thế lại mất càng nhiều thời gian. Tôi có thể đưa ra một ví dụ rất cụ thể. Khi bạn nhắn tin với ai đó bạn sẽ không nhắn chỉ một, hai tin mà phải đến cả chục tin nhắn phải không? Và nếu người kia trả lời tin nhắn của bạn muộn đi một tí thì bạn sẽ ngồi chờ đợi, đôi mắt chú ý vào màn hình điện thoại và trong đầu luôn nghĩ tại sao không nhận được tín hiệu trả lời. Thử hỏi như thế còn thời gian đâu mà học? Như thế bạn vừa mất thời gian vừa bị phân tâm tư tưởng, không tập trung chú ý với bài học của mình” (Võ Thị Thanh Huyền, lớp 9C – Trường THCS Hoàng Xuân Hãn). Ở một góc độ khác, một bạn trẻ khác tỏ ra dè chừng khi muốn thể hiện “đẳng cấp” thì phải chi một khoản không nhỏ để sở hữu “chú dế yêu” với nhiều tính năng vượt trội và trang trí đẹp mắt mà với khả năng và điều kiện sống phụ thuộc của học sinh, sinh viên thì không thể tự trang bị được. Đối với những bạn may mắn được phụ huynh ủng hộ thì đã đành, nhưng để đua đòi, có bạn trẻ đã phải lén lút cha mẹ, thậm chí là phạm tội để có tiền sắm và sở hữu những chiếc ĐTDĐ đắt tiền.

Có thể nói, điều gì cũng có tính hai mặt và chiếc ĐTDĐ, bản thân nó không có hại, vấn đề là sử dụng nó thế nào. Thiết nghĩ, đối với lứa tuổi học sinh, sinh viên thì điều quan trọng là tuyên truyền, giáo dục để các bạn trẻ có nhận thức đúng đắn và sử dụng ĐTDĐ một cách hữu ích cho việc học tập, sinh hoạt. Cha mẹ, thầy cô cần quan tâm đúng mức đến việc sử dụng ĐTDĐ của học sinh, sinh viên. Trong giờ học, giáo viên có thể thu ĐTDĐ của học sinh khi các em vi phạm, song đây không phải là cách có thể giải quyết tận gốc vấn đề; điều cơ bản là phải xây dựng được cho các em ý thức sử dụng ĐTDĐ một cách hợp lý, có sự định hướng và quản lý ở mức độ cần thiết của gia đình.

Võ Ngọc


Ý kiến bạn đọc