Náo nức ngày hội khai trường
Vui tươi, hào hứng là tâm trạng của học sinh, giáo viên trên địa bàn tỉnh trong ngày khai trường 5-9 bởi lâu lắm rồi Lễ khai giảng mới được “trả về” cho học sinh, vì vậy các em bước vào năm học mới với tâm thế thoải mái, tự tin…
Học sinh Trường THCS Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) đón chào năm học mới. |
Không khí đón chào năm học mới ở huyện Cư Kuin cũng tưng bừng không kém, nhiều phụ huynh, nhất là bố mẹ có con đang học mẫu giáo, tiểu học đã dậy từ sớm để đưa con đến trường tham dự Lễ khai giảng. Chị Hồ Thị Thu Hiền, ở thôn 4 (xã Ea Bhốk) có 2 con là Đặng Hồ Yến Nhi (lớp 3B, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Bé) và Đặng Hồ Kim Ngân (lớp Mầm, Trường Mầm non Hoa Pơ Lang) bày tỏ: “Lễ khai giảng năm nay diễn ra đúng vào ngày nghỉ nên vợ chồng có thời gian đưa các con tham dự. Là công chức nhà nước, không có nương rẫy, nên để lo chu toàn cho các con, vợ chồng tôi đã lên kế hoạch mua sắm sách vở, dụng cụ học tập, đồng phục cho 2 con từ đầu kỳ nghỉ hè với số tiền hơn 4 triệu đồng. Đây là khoản tiền không nhỏ đối với người dân khu vực nông thôn, vì vậy tôi mong việc đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục cũng cần quan tâm đến mặt bằng thu nhập của nhân dân, những chi phí phụ huynh đầu tư cho con em học hành. Về phía gia đình cũng chỉ biết nhắc nhở, động viên con em chăm chỉ học tập, tích cực tham gia hoạt động Đội để rèn luyện các kỹ năng cơ bản”. Sự mong mỏi của phụ huynh trước thềm năm học đã đặt ra cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngành Giáo dục những chương trình, hướng đi cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Cô Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Y Jút (huyện Cư Kuin) cho biết: “Quyết tâm đổi mới của Bộ GD-ĐT nhận được sự đồng thuận của xã hội, của ngành Giáo dục. Từng cán bộ quản lý, giáo viên đã thay đổi nhận thức, từ đó có những thay đổi trong cách quản lý, cách dạy học. Và sự mạnh dạn đổi mới của Bộ GD-ĐT trong cách thức tổ chức Lễ khai giảng năm nay một lần nữa minh chứng cho quyết tâm này. Đây là sự khởi đầu để thầy và trò nhà trường tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh, chú trọng giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật của học sinh”.
Không tưng bừng, náo nhiệt như các trường ở thị trấn, thị tứ, nhưng cô và trò Trường Mầm non Hoa Thiên Lý (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc) tổ chức Lễ khai giảng năm học bảo đảm đúng tinh thần đổi mới của ngành Giáo dục. Lễ khai giảng chỉ diễn ra trong 30 phút, sau đó là những tiết mục múa, hát do cô và trò nhà trường tự biên đạo, tự biểu diễn nhưng nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt của đại biểu tham dự và đông đảo phụ huynh, học sinh. Cô Nguyễn Thị Khánh, Hiệu trưởng trường chia sẻ: “Qua 7 năm học giữ cương vị hiệu trưởng, tôi thấy đây là năm học tổ chức lễ khai giảng ít bị áp lực nhất bởi không phải lo chuẩn bị bài phát biểu chỉn chu, không phải tất bật động viên phụ huynh bớt chút thời gian cho con ở lại để chờ lãnh đạo các cấp đến khai giảng. Tuy nhiên niềm vui chưa trọn vẹn khi nhà trường chỉ tổ chức lễ khai giảng cho 120 cháu ở điểm trường chính, còn các cháu ở 6 điểm trường lẻ không thể dự lễ do cách xa điểm trường chính, phụ huynh bận đi nương rẫy. Năm học 2015-2016, Trường có 392 cháu trong độ tuổi 3-5 tuổi, học tại 17 lớp, nhưng có đến 9 phòng học mượn hội trường thôn. Ban giám hiệu, thầy cô giáo và phụ huynh Trường Mẫu giáo Hoa Thiên Lý mong muốn được sự quan tâm nhiều hơn về cơ sở vật chất, trang thiết bị để việc chăm sóc dạy dỗ các cháu tốt hơn. Hiện nay, trường mới tổ chức được 4 điểm bán trú, 3 điểm còn lại chưa thể mở do thiếu công trình vệ sinh, nước sinh hoạt…”.
Năm học 2015-2016, 3 xã vùng căn cứ cách mạng huyện Krông Bông là Cư Pui, Cư Đrăm và Yang Mao có 6.779 học sinh ở các bậc học Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT. Trường Mẫu giáo Cư Pui (xã Cư Pui) khai giảng năm học mới với niềm vui có thêm phòng học mới, cổng trường, tường rào; có bếp ăn bán trú, sân trường bê tông được xây dựng với kinh phí từ sự chung tay đóng góp của các nhà hảo tâm, phụ huynh và chính quyền địa phương. Năm học mới, nhà trường có 16 lớp, 516 học sinh ở 14 điểm trường.
Tại Trường THCS Cư Đrăm (xã Cư Đrăm), 514 học sinh phấn khởi bước vào năm học mới khi đã đầy đủ sách vở, phòng học văn hóa, phòng bộ môn. Mặc dù có điều kiện khó khăn nhưng trong những năm qua, nhà trường đã làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, đến nay cơ sở vật chất nhà trường đã bảo đảm cho công tác dạy và học. Hiện nay nhà trường đang được đầu tư xây dựng thêm phòng học, phòng bộ môn nhằm đạt chuẩn về cơ sở vật chất để phấn đấu đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1 trong thời gian tới.
Không khí sôi động và háo hức của 1.680 học sinh Trường Tiểu học Cư Pui 2 (xã Cư Pui) đã làm vơi đi những khó khăn, thiếu thốn của một trường vùng sâu huyện Krông Bông. Năm học mới này, nhà trường có 63 lớp với 1.680 học sinh ở 6 điểm trường; trong đó có trên 97% học sinh là người dân tộc thiểu số (đa số là đồng bào Mông di cư). Ngay từ đầu tháng 7, UBND huyện Krông Bông đã chỉ đạo cho địa phương sửa chữa phòng học tạm, bàn ghế; cấp phát đầy đủ, kịp thời sách vở cho học sinh trong diện chính sách; sắp xếp chỗ ăn ở, sinh hoạt cho hơn 40 cán bộ, giáo viên, nhân viên ở nội trú...
Sau phần “lễ” ngắn gọn, trang trọng, các trường đều tổ chức các hoạt động như trồng cây lưu niệm, tọa đàm, tổ chức các trò chơi dân gian…
Nhóm phóng viên CTVX và CTV
Ý kiến bạn đọc