Cô giáo mầm non – những phụ nữ chu toàn
Giáo viên mầm non có những đặc tính và yêu cầu rất khác so với giáo viên ở các bậc học khác, để làm tròn hai vai “giỏi việc nước, đảm việc nhà” các cô phải hy sinh nhiều thứ.
“Nhà không có đàn ông”!
Gắn bó với nghề 27 năm và có gần 21 năm làm công tác quản lý cô Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Cư Pui (huyện Krông Bông) chia sẻ: “Quản lý đơn vị có gần 100% CBGVNV là nữ có nhiều thuận lợi. Cùng giới nên chị em dễ chia sẻ những vui, buồn, kể cả chuyện khó nói trong cuộc sống - sợi dây tình cảm này gắn kết chị em đồng cam cộng khổ, khi điều kiện công tác khó khăn, đa phần chị em sống xa gia đình, người thân”. Trường có ít nam giới, nên các cô giáo phải tự làm các công việc không dành riêng cho nữ, từ sửa chữa các thiết bị điện, nước đến bàn, ghế học sinh, đồ dùng dạy học... Có những công việc rất đơn giản với nam giới nhưng lại “làm khó” chị em, như: trang trí sân khấu, bố trí thiết bị âm thanh, ánh sáng… vào các dịp lễ, hội nghị. Đơn cử như để chạy chương trình cho lễ khai giảng năm học vừa qua, cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đều toát mồ hôi do dàn âm thanh “lặng như tờ”; hay có lần nhà trường tổ chức tập huấn chuyên môn, tự dưng màn hình máy chiếu trắng xóa, loay hoay hơn 30 phút… hóa ra do dây cắm lỏng!
Cô Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Cư Pui (huyện Krông Bông) hướng dẫn các cháu nhận biết về hình khối. |
“Tất bật lo toan công việc, có lúc quên ăn, bỏ bê con cái nhưng khi công việc hoàn thành cảm thấy vui, hạnh phúc và như được tiếp thêm động lực để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa chu toàn công việc gia đình” cô Thu thổ lộ. Trường có 1 điểm chính và 13 điểm lẻ, lớp học tạm bợ, chật hẹp, không có đủ đồ dùng, đồ chơi tối thiểu theo quy định. Hiện nay, các lớp đều tổ chức 2 buổi/ngày nhưng nhiều điểm trường không có nước sinh hoạt, không có sân trường cho các cháu vui chơi. Hầu hết các cô giáo ở điểm lẻ, hằng ngày đến lớp ngoài giáo án có thêm cặp lồng cơm ăn trưa và tấm vải mỏng làm chỗ nghỉ lưng để buổi chiều kịp đón trẻ. Điều kiện dạy học thiếu thốn, nhưng trường vẫn quyết tâm vận động phụ huynh tổ chức bán trú tại điểm chính cho hơn 100 trẻ. Tổ chức bán trú, CBGVNV vất vả nhiều hơn, nhưng các cháu được ăn, ngủ đúng giờ giấc, nền nếp... vì vậy các cô đều mong muốn hơn 400 cháu ở 13 điểm lẻ sớm được học bán trú.
Cần lắm sự sẻ chia
Trường Thực hành Sư phạm Mầm non Hoa Hồng (thuộc Trung cấp Sư phạm Mầm non Đắk Lắk) có 32 CBGVNV đều là nữ, duy nhất nhân viên bảo vệ là nam giới. Nhà trường đang nuôi dạy 500 cháu thuộc 4 độ tuổi, công việc tất bật cả ngày, nhưng xác định rõ đặc thù nhà trường, mỗi người một tay… nên việc nhẹ nhàng. Cũng như nhiều giáo viên, nhân viên trong trường, đều đặn 6 ngày trong tuần cô giáo Võ Thị Mỹ Nhân, phụ trách lớp lá 2 có mặt tại trường trước 6 giờ 30 phút để đón trẻ và thường sau 17 giờ 30 phút mới kết thúc một ngày làm việc; có hôm phụ huynh bận việc không đón con về đúng giờ, cô và cháu phải chờ, thậm chí muộn quá cô phải đưa cháu về nhà mình. Cô Nhân chia sẻ: “Áp lực đối với giáo viên mầm non khá lớn, từ chuyên môn cho đến đủ thứ việc không tên với thời gian làm việc kéo dài 10-12 giờ/ngày. Nghề giáo viên mầm non có những đặc tính và yêu cầu rất khác so với giáo viên ở các bậc học khác. Nếu không đến lớp với tình yêu thương trẻ thật sự, sự kiên nhẫn và tinh thần trách nhiệm, giáo viên sẽ không thể làm tốt công việc của mình”.
Nhân viên cấp dưỡng Trường thực hành Sư phạm Mầm non Hoa Hồng tất bật chuẩn bị bữa ăn cho các cháu. |
Công việc vất vả, đồng lương khiêm tốn, song không phải “đức lang quân” nào cũng dễ dàng thông cảm, chia sẻ với các cô giáo mầm non. Chuyện các ông chồng “đá thúng đụng nia” mỗi khi vợ đi làm về không đúng giờ do phụ huynh đón con muộn hay quên đón con không phải là hiếm. Thậm chí có anh chồng còn nói: “Tưởng lấy vợ làm nghề giáo viên có nhiều thời gian chăm sóc chồng con, gia đình!” hay: “Trẻ em học chi cho nhiều, dạy ít thôi để còn về nhà dạy con nữa kìa”. “Những lúc như vậy, các chị im lặng để gia đình yên ấm, bố trí thời gian, hy sinh những nhu cầu riêng tư để chu toàn “việc nhà, việc nước”, cô Nhân chia sẻ.
Áp lực của công việc nuôi dạy trẻ không hề nhỏ, ngoài dạy dỗ các cô còn phải nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ bảo đảm an toàn cho đến lúc bố mẹ đón về. Nghề giáo nói chung, giáo viên mầm non rất cần sự chia sẻ từ gia đình, phụ huynh, đồng nghiệp để có thêm sức mạnh vượt qua khó khăn, tiếp tục cống hiến tuổi xuân, sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp trồng người.
Gia Nguyên
Ý kiến bạn đọc