Multimedia Đọc Báo in

Nơi truyền lửa đam mê môn Lịch sử cho học sinh

10:24, 08/05/2016
Ở Trường THPT Nguyễn Tất Thành (thị trấn M’Đrắk, huyện M’Đrắk), Câu lạc bộ (CLB) Sử học do tập thể giáo viên bộ môn Lịch sử thành lập đã trở thành nơi truyền lửa đam mê Lịch sử cho học sinh; khơi dậy phong trào tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử, góp phần bồi dưỡng nhiều học sinh đạt thành tích cao trong kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử.
 
Ngay từ khi thành lập, Ban Chủ nhiệm CLB đã phối hợp với Đoàn trường tổ chức cuộc thi với chủ đề “Tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Tất Thành”. Dựa trên kết quả cuộc thi và nguyện vọng của từng thí sinh, CLB kết nạp mới hơn 30 hội viên là học sinh yêu thích môn Sử của toàn trường. Từ đó, CLB bắt đầu sinh hoạt định kỳ từng tháng, từng quý theo chủ đề và những mốc sự kiện, hướng đến các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn của dân tộc. Hội viên được bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, tạo điều kiện kiểm tra kiến thức bằng các kỳ thi giả định, chia sẻ kinh nghiệm tham gia các kỳ thi tuyển chọn… Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian tham gia CLB, nhiều hội viên (nhất là những học sinh theo đuổi khối thi đại học có môn Lịch sử) đã học tốt hơn môn học vẫn được xem là khô khan, “khó nuốt” này. 
Trao thẻ cho các hội viên mới kết nạp của CLB Sử học nhân dịp kỷ niệm Ngày truyền thống học sinh-sinh viên Việt Nam năm 2015.
Trao thẻ cho các hội viên mới kết nạp của CLB Sử học nhân dịp kỷ niệm Ngày truyền thống học sinh-sinh viên Việt Nam năm 2015.
 
Thầy Nguyễn Quang Bình, Trưởng bộ môn Lịch sử, Chủ nhiệm CLB cho biết: CLB Sử học được thành lập từ năm 2012 nhằm củng cố, hệ thống kiến thức môn Lịch sử, rèn luyện kỹ năng tổng quát kiến thức giúp học sinh tìm ra những phương pháp tiếp thu khoa học và ghi nhớ sâu sắc bài học; đồng thời, khơi dậy niềm đam mê, hứng thú đối với môn Sử; phát hiện, bồi dưỡng và truyền lửa niềm đam mê học Sử, tạo nền tảng đào tạo chuyên sâu, lựa chọn những thí sinh triển vọng tham gia các kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi các cấp môn Lịch sử. Sau hơn 3 năm hoạt động, đến nay CLB đã có hơn 50 hội viên các khối 10, 11, 12 thường xuyên sinh hoạt. Mỗi năm học, CLB tổ chức sinh hoạt 4 lần, mỗi tháng làm 1 số báo bảng cập nhật những thông tin liên quan đến Lịch sử, đính kèm nội dung các câu hỏi nằm trong chương trình kiến thức phổ thông, khuyến khích tất cả học sinh toàn trường tham gia gửi đáp án nhận phần thưởng. Các bài viết hay, đạt điểm cao sẽ được lựa chọn để đăng trên các số báo tiếp theo. Từ khi thành lập đến nay, CLB đã cho ra đời hàng chục số báo bảng với những nội dung đặc sắc, thú vị xoay quanh đề tài về Lịch sử. CLB cũng thường xuyên tuyên dương những thành viên đạt kết quả cao trong học tập môn Lịch sử đồng thời cổ vũ, động viên các hội viên khác vươn lên. 
 
Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, Trường THPT Nguyễn Tất Thành luôn có học sinh lọt vào đội tuyển thi Học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử của tỉnh và đạt thành tích cao như: Đinh Minh Tường, Phan Quan Vân Trường (giải Ba Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm học 2010-2011); Quách Thị Thanh Thanh, Phan Thị Ánh Kim (giải Nhì Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm học 2013-2014)… Em Phan Thị Ánh Kim, học sinh lớp 12A4, Trường THPT Nguyễn Tất Thành cho biết: “Từ một học sinh không giỏi nhớ các chi tiết trong bài học lịch sử, được các thành viên trong CLB chia sẻ kinh nghiệm, em đã biết cách xâu chuỗi sự kiện, sắp xếp lịch nghiên cứu một cách khoa học. Nhờ thay đổi cách học môn Sử, thành tích học tập của em đã cải thiện rõ rệt và em đã chọn môn Lịch sử tham gia kỳ thi học sinh giỏi các cấp”.
 
Với cách làm hay và ý nghĩa, CLB Sử học Trường THPT Nguyễn Tất Thành đã tạo ra sân chơi lành mạnh giúp trau dồi, bồi dưỡng niềm đam mê môn Lịch sử cho nhiều thế hệ học sinh đồng thời góp phần nâng cao chất lượng dạy và học môn Sử trong nhà trường.
 
Thu Nguyệt

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.