Multimedia Đọc Báo in

Băn khoăn đồng phục học sinh

17:52, 27/09/2016

Để tạo sự khác biệt, dấu ấn riêng, vào đầu năm học mới nhiều trường học đã quy định mẫu đồng phục cho học sinh của mình. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Chị N.K.L ở TP. Buôn Ma Thuột có con học Trường TH V.T.S cảm thấy không hài lòng với chủ trương của nhà trường về thay đổi màu đồng phục của học sinh chia sẻ, việc tốn thêm vài trăm nghìn đồng để mua đồng phục cho con đối với gia đình có điều kiện, khá giả thì hết sức bình thường nhưng với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì đã tăng thêm gánh nặng. Bản thân chị, đến gần ngày khai trường mới hay tin nhà trường thay đổi mẫu đồng phục. Đồng phục đã mua không trả lại được, gia đình lại phải tốn thêm một khoản chi phí để mua lại bộ khác cho cháu. Thêm vào đó, hầu hết đồng phục của học sinh trong trường được nhà trường đặt may và bán tại trường hoặc chỉ rõ ra một nhà may nào đó do trường chỉ định để mua. Điều này không cần thiết mà còn gây phiền toái, lãng phí.

Học sinh tập dân vũ tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Ảnh minh họa)
Học sinh tập dân vũ tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu. (Ảnh minh họa)

Cùng quan điểm, anh L.V.T cũng là phụ huynh học sinh trường này cho rằng: “Đồng phục là cần thiết nhưng chỉ cần quần xanh áo trắng như trước đây là được, không nhất thiết phải là màu đặc thù của trường. Mục đích của giáo dục cuối cùng là chất lượng của việc dạy và học, cho nên việc quan trọng nhất vẫn là môi trường học tập của các cháu. Chính vì vậy, nhà trường không nên quá hình thức và làm sao để đồng phục không là nỗi lo của nhiều gia đình phụ huynh mỗi khi năm học mới bắt đầu". 

Đồng phục nên đơn giản, hiệu quả, không lãng phí

Chị B.M.T, phụ huynh có con học ở Trường TH. N.Đ.C thẳng thắn: “Không biết các huyện, thị thế nào, nhưng ở TP. BMT hiện nay, gần như mỗi trường một kiểu đồng phục khác nhau từ màu sắc đến kiểu dáng. Tôi nghĩ đồng phục nên quy chuẩn quần xanh, áo trắng là phù hợp nhất. Ngoài câu chuyện về kiểu dáng, màu sắc, chất lượng đồng phục, nhiều trường hiện nay còn “mặc đồng phục” cho cả dụng cụ học tập của học sinh. Vào năm học mới, các phụ huynh vì vậy hoặc phải lên trường mua giấy bọc vở có in sẵn logo của trường hoặc nhờ giáo viên trong trường làm giúp. Điều này cũng gây nên những phiền toái không nhỏ cho phụ huynh và học sinh. Đối với học sinh, quan trọng là sự chăm ngoan, học giỏi và lễ phép, giáo dục vì vậy nên đi vào thực chất chứ không phải bị chi phối bởi căn bệnh thành tích, hình thức… như hiện nay”.

Theo ý kiến của cô giáo Đ.T.L, một giáo viên tiểu học ở nội thành Buôn Ma Thuột, đồng phục không chỉ giúp học sinh có trang phục gọn gàng, tạo nên sự nền nếp, thân thiện, lành mạnh nơi học đường mà còn giúp các em tự tin, hòa đồng. Việc thay đổi đồng phục nhằm tạo nét riêng cho học sinh của trường này với các trường khác trên địa bàn dựa trên sự thống nhất giữa nhà trường và phụ huynh. Còn cô giáo P.T.H cũng là giáo viên tiểu học thì cho rằng, mỗi trường mỗi mẫu đồng phục riêng như hiện nay là không cần thiết, chưa kể đến nhiều trường chọn màu sắc chưa phù hợp. Nếu để tạo nét riêng, ngành giáo dục thành phố nên có quy chuẩn chung về mẫu đồng phục, nhưng phải mang tính phổ biến, đơn giản, tránh gây phiền hà, tốn kém cho phụ huynh.

Dạo quanh một số trường trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, đồng phục mà các trường cho rằng tạo nên “bản sắc” riêng của trường lại khiến cho quy định về màu đồng phục chung của học sinh trở nên lộn xộn, không theo quy tắc nào. Thiết nghĩ, sử dụng đồng phục sao cho hiệu quả, thiết thực, tránh sự lãng phí, tốn kém, trở thành nỗi lo, đôi khi là "gánh nặng" cho các gia đình trước mỗi năm học mới rất cần được các nhà trường quan tâm chia sẻ. Ngành giáo dục cũng nên quán triệt và quy định chung cho các trường về vấn đề này, tránh sa lầy vào bệnh hình thức, thành tích như hiện nay. 

 Ngọc Khuê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.