Xây dựng nông thôn mới ở huyện Krông Bông: Khó khăn trong thực hiện tiêu chí trường học
Thời gian qua, huyện Krông Bông đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học nhằm từng bước hoàn thành tiêu chí số 5 về trường học và tiêu chí số 14 về giáo dục theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc thực hiện 2 tiêu chí này của huyện hiện đang gặp nhiều khó khăn.
Tại xã Hòa Phong, bậc học mầm non hiện mới chỉ có Trường Mẫu giáo Hòa Phong. Để đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em trong độ tuổi, ngoài điểm trường chính ở trung tâm xã, trường đã thành lập thêm 7 điểm lẻ ở 7 thôn, buôn. Ngay tại điểm chính cũng chưa có nhà hiệu bộ, phòng làm việc cho giáo viên. Tại các điểm lẻ, phòng học, thiết bị giảng dạy, vui chơi đều rất thiếu thốn. Cô Trương Thị Bạch Yến, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hòa Phong cho biết: Năm học 2017-2018, toàn trường có 320 học sinh, trong đó có 150 học sinh học bán trú. Nếu so với yêu cầu đủ 2 giáo viên/lớp thì trường còn thiếu 10 biên chế. Hơn nữa, do khó khăn về cơ sở vật chất nên hằng ngày, hai cô cấp dưỡng của trường phải nấu ăn ở điểm chính và vận chuyển vào 4 điểm lẻ cách trường từ 4-5 km.
Một giờ học tại điểm trường thôn Noh Prông. |
Không chỉ bậc học Mầm non mà cấp Tiểu học và THCS trên địa bàn xã cũng đang gặp khó khăn do thiếu giáo viên, cơ sở vật chất và trang thiết bị. Vì vậy, đến nay, xã Hòa Phong mới đạt 8/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó tiêu chí số 5 về trường học và số 14 về giáo dục rất khó hoàn thành.
“Kinh phí xây dựng cơ sở vật chất trường học chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước, công tác xã hội hóa giáo dục còn hạn chế nên huyện Krông Bông còn gần 100 phòng học tạm, phòng mượn hoặc xuống cấp, không có nhà đa năng, phòng bộ môn; nhiều trường thiếu trang thiết bị dạy học... Toàn huyện còn thiếu khoảng 120 giáo viên ở các bậc học”.
Ông Lê Xuân Quý, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Bông
|
Năm học 2017 – 2018, Trường THCS Hòa Sơn (xã Hòa Sơn) đã được đầu tư 400 triệu đồng tu sửa 4 phòng học và bê tông hóa toàn bộ sân trường phục vụ nhu cầu học tập của 548 học sinh. Tuy nhiên, đến nay trường vẫn chưa được công nhận đạt Chuẩn Quốc gia do chưa có nhà hiệu bộ, thư viện và các phòng học bộ môn. Thầy Trần Ngọc Thịnh, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, để đáp ứng đủ yêu cầu của trường Chuẩn Quốc gia đòi hỏi đầu tư nguồn lực lớn để xây dựng cơ sở vật chất, trong khi đó, việc huy động xã hội hóa ở địa phương rất khó khăn nên chủ yếu trông chờ vào sự đầu tư của các cấp, ngành.
Huyện Krông Bông hiện có 56 trường học, 769 lớp học với trên 20.300 học sinh ở các bậc học từ Mầm non đến THPT. Đến nay, huyện mới chỉ có 7/56 trường đạt Chuẩn Quốc gia; chưa có xã nào đạt tiêu chí số 5 về trường học và mới chỉ có 8/13 xã đạt tiêu chí số 14 về giáo dục. Ngay cả xã Hòa Sơn là xã điểm nông thôn mới của tỉnh nhưng mới chỉ đạt 11/19 tiêu chí. Trong số những tiêu chí chưa đạt thì trường học cũng là tiêu chí khó hoàn thành. Trong khi đó, ngành Giáo dục và Đào tạo đang gặp khó khăn trong việc triển khai xây dựng tiêu chí số 5 do hạn chế về nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất.
Trường Mẫu giáo Hòa Phong ở trung tâm xã Hòa Phong chưa có nhà hiệu bộ và nhà làm việc cho giáo viên. |
Theo ông Lê Xuân Quý, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Bông, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Bông đã và đang nỗ lực huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trong đó đặc biệt ưu tiên cho những trường thuộc kế hoạch đạt Chuẩn Quốc gia và vùng đặc biệt khó khăn, đẩy mạnh công tác xã hội hóa để góp phần hoàn thành các tiêu chí liên quan đến giáo dục trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu dạy và học, góp phần hoàn thành tiêu chí số 5 và số 14 trong xây dựng nông thôn mới, huyện Krông Bông mong muốn các cấp tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học, kinh phí xây dựng trường đạt Chuẩn Quốc gia, tăng vị trí việc làm đáp ứng nguồn nhân lực cho giáo dục.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc