Nỗi lo bạo lực học đường
Bạo lực học đường đang trở thành một vấn nạn, ngày càng phức tạp, gây bức xúc trong dư luận.
Chỉ cần gõ từ khóa “bạo lực học đường”, công cụ tìm kiếm Google lập tức cho ra hơn 4 triệu kết quả. Tương tự, trên các trang mạng xã hội, người dùng không khó tìm, thậm chí có thể theo dõi vô số clip về các vụ bạo lực học đường đã, đang diễn ra khắp mọi tỉnh, thành trên cả nước. Đáng lo ngại là không riêng nam sinh, mà các bạn nữ ở lứa tuổi được xem là hồn nhiên, trong sáng nhất cũng tham gia chửi rủa, thóa mạ, văng tục, đánh hội đồng, thậm chí đe dọa đến tính mạng của người khác. Nhiều trường hợp còn thực hiện hành vi bạo lực bạn học ngay tại lớp, vậy mà có học sinh thản nhiên quay video, đăng, phát trực tiếp lên mạng xã hội và xem đó là chuyện rất đỗi bình thường!
Gần đây nhất, tháng 12-2017, tại Trường THCS Trần Hưng Đạo (Kiên Giang) xảy ra vụ bạo lực với lý do rất…vớ vẩn: do mâu thuẫn cá nhân trên facebook nên 2 nữ sinh lớp 9 đã hung hãn đánh đập, chửi bới 3 học sinh lớp 7 ngay trong khuôn viên trường rồi đăng lên mạng xã hội để… trả thù! Những em bị đánh cũng chỉ biết kêu gào, ôm đầu khóc lóc chứ không dám phản kháng. Mặc dù nhiều học sinh chứng kiến, nhưng không một em nào đứng ra can ngăn, thậm chí còn a dua cổ vũ, quay video…
Một tiểu phẩm nói về bạo lực học đường tại Diễn đàn "Xây dựng tình bạn đẹp – Nói không với bạo lực học đường". |
Tại nhiều địa phương cũng xảy ra tình trạng vì mâu thuẫn cá nhân mà có những nữ sinh đã hành xử theo kiểu “xã hội đen” như lao vào đánh đấm, lột đồ nhau ngay tại lớp học, thậm chí còn tổ chức đánh hội đồng khiến bạn phải nhập viện…
Thời gian qua trên địa bàn tỉnh, các vụ bạo lực học đường diễn ra không ít khiến các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng. Mới đây nhất vào tháng 1-2018, vụ 2 nhóm nữ sinh đánh nhau ngay tại đường vào Sân bay Buôn Ma Thuột đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Clip dài gần 2 phút, ban đầu chỉ có 2 nữ sinh giật tóc, đấm đá, vật nhau xuống vỉa hè. Một lúc sau, thì nhiều nữ sinh khác thuộc 2 phe cầm mũ bảo hiểm cùng lao vào chửi bới, đánh nhau …
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực, nhiều cách thức thực hiện hành vi bạo lực, nhưng tất cả những vụ việc ấy đều để lại hậu quả đáng tiếc. Người gây bạo hành nặng thì bị đuổi học, nhẹ thì bị khiển trách, cảnh cáo. Tổn thương hơn là người bị bạo hành, nhiều em phải nhập viện điều trị, nghỉ học, chuyển trường, thậm chí bị sang chấn tâm lý nặng nề … |
Thạc sĩ tâm lý học Mai Quang Sơn, Giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk cho biết, bạo lực học đường đang là vấn đề nóng, nhức nhối hiện nay, trong đó học sinh THPT (độ tuổi từ 15 – 18 tuổi) chiếm 48% các vụ bạo lực được thống kê. Có 4 nhóm nguyên nhân chính: về phía bản thân học sinh, gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội. Để giải quyết được căn nguyên vấn đề bạo lực học đường, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các đối tượng liên quan, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm của gia đình và ý thức của mỗi học sinh. Nhà trường cần rèn đạo đức cho học sinh thông qua các nội dung học tập hằng ngày, hướng suy nghĩ của các em vào các hành vi chuẩn mực, có văn hóa… Một khi các em được giáo dục đúng cách, trang bị đầy đủ các kiến thức xã hội, cũng như rèn luyện đạo đức, thì sẽ ý thức điều chỉnh được hành vi của chính mình.
Trong bối cảnh đó, diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp – Nói không với bạo lực học đường” do Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn vừa tổ chức tại Trường THPT Chu Văn An (TP. Buôn Ma Thuột) đã thu hút đông đảo học sinh tham gia. Những tiểu phẩm ngắn nói về bạo lực học đường; các hoạt động giao lưu, tương tác với chuyên gia tâm lý, cảnh sát hình sự, giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh… đã phần nào giúp học sinh có cái nhìn đa chiều việc xây dựng một tình bạn đẹp, tránh xa bạo lực học đường.
Anh Nguyễn Ngọc Hoàng, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh chia sẻ: Để môi trường học đường thân thiện, đoàn kết cần sự chung tay của mọi người bằng nhiều hành động thiết thực, nói không với bạo lực học đường, không gây gổ, đánh nhau, kéo băng kết nhóm với thanh niên ngoài nhà trường; không tàng trữ, sử dụng vũ khí có khả năng gây sát thương; không phát tán lên mạng những thông tin không lành mạnh, không tham gia các trò chơi mang tính kích động bạo lực…
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc