Multimedia Đọc Báo in

Nghề giáo nay đã thành nghề… nguy hiểm?

07:18, 22/04/2018

Dư luận xôn xao vì vụ việc một giáo sinh thực tập tại trường mầm non ở Nghệ An bị đánh, bị bắt phải quỳ xin lỗi học sinh vì phụ huynh phát hiện con trai 5 tuổi có vết bầm tím ở cẳng chân và nghi do cô giáo đánh.

Nghiêm trọng hơn ở chỗ giáo sinh thực tập đó đang mang thai và đã kêu, xin đừng đánh nhưng vị phụ huynh kia vẫn thẳng tay hành hung. Hậu quả là nữ giáo sinh này sau đó đã được đưa đến bệnh viện do hoảng loạn và nguy cơ bị sảy thai.

Vụ việc đau lòng này thêm một lần nữa nối dài danh sách các thầy cô giáo bị bạo hành chỉ trong thời gian ngắn gần đây: một cô giáo tiểu học ở Long An bị phụ huynh ép phải quỳ 40 phút vì… tội đã dám phạt học trò quỳ trước lớp; một cô giáo dạy tiếng Anh ở Bến Tre bị một học sinh nam xúc phạm và bóp cổ vì cô đã nhắc nhở một nữ sinh trong lớp học bài môn khác trong giờ học của mình; một thầy giáo ở Nghệ An đã bị người nhà học sinh đánh dập sống mũi, phải nhập viện bởi thầy đã tát cảnh cáo em học sinh đốt lửa trong lớp học và mời phụ huynh lên làm việc…

Điều đau lòng là tất cả những hành vi bạo hành nhà giáo về thể xác và tinh thần đó đều diễn ra trong trường học. Không biết tự bao giờ, cứ hễ có chuyện gì xảy ra không vừa ý là phụ huynh lại hùng hổ lao vào trường xử lý giáo viên một cách dễ dàng như chỗ không người? Có lẽ nào nghề giáo nay đã trở thành một nghề… nguy hiểm?

Một tiết học ở Trường Mẫu giáo Hoa Mai, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng. Ảnh: Nguyên Hoa
Một tiết học ở Trường Mẫu giáo Hoa Mai, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng. Ảnh: Nguyên Hoa

Dạy học là một nghề, giáo viên cũng là con người và cũng có lúc có khuyết điểm. Nhưng dù có khuyết điểm, có sai sót thế nào thì hãy để pháp luật xử lý chứ không phải phụ huynh cứ thế xông vào trường và hành xử như  côn đồ. Chúng ta đang sống trong một nhà nước pháp quyền, mọi người phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật chứ không phải hành xử theo "luật rừng" như những kẻ giang hồ. Có điều gì đó không ổn đang diễn ra ở đây khi thầy giáo và thầy thuốc đang đứng trước nguy cơ bị hành hung ngay ở nơi làm việc, khi đang cứu chữa bệnh nhân hay đang giảng bài, dạy dỗ học sinh.

Những sự việc đáng buồn này là bằng chứng cho thấy có sự đứt gãy trong mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình, trong một vài trường hợp cả hai đã không còn cùng chung quan điểm về cách giáo dục học sinh. Gia đình và xã hội yêu cầu nhà trường phải vừa dạy chữ vừa dạy người, vừa trang bị kiến thức nhưng cũng đồng thời giáo dục nhân cách cho con em mình. Song chính gia đình và xã hội lại không dành cho giáo viên những điều kiện cần thiết để họ có thể hoàn thành nhiệm vụ nặng nề và cao cả của mình. Giáo viên chỉ có thể dạy chữ, dỗ ngọt học sinh chứ không có quyền trách mắng, càng không được phép phạt học trò dù là phạt quỳ hay phạt đánh roi. Thầy cô không được phép “thương cho roi cho vọt” nhưng lại phải đưa các em học sinh hiếu động, ham chơi, tính tình đôi khi thất thường vì đang tuổi ăn tuổi lớn vào khuôn khổ, chăm ngoan, học giỏi, có kỹ năng sống. Không ai ủng hộ việc thầy cô dùng bạo lực hay bạo hành học trò nhưng ở một mức độ nhất định, trong trường học vẫn phải có các hình thức xử lý cứng rắn đối với các em học sinh mắc lỗi lặp đi lặp lại dù đã được nhắc nhở nhiều lần.

Câu ca “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy” dường như đã bị nhiều người lãng quên. Có lẽ, khi không thể trông chờ vào sự bảo vệ của bất kỳ ai, giáo viên phải tự bảo vệ mình. Hoặc các nhà trường phải mở lớp dạy võ cho các thầy cô giáo như các bệnh viện đang dạy võ cho bác sĩ? Chỉ e rằng nếu giáo viên cứ phải tự bảo vệ mình bằng cách im lặng trước mọi hành vi không đúng của học trò dù lớn hay nhỏ thì mục tiêu đào tạo ra những công dân vừa hồng vừa chuyên liệu có đạt được không? Nếu giáo viên cứ phải vừa dạy vừa sống trong nỗi sợ bị hành hung ngay tại trường thì liệu có thể yên tâm đầu tư cho bài giảng được không?

Lại Thị Ngọc Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.