Multimedia Đọc Báo in

Cô giáo tận tâm với sự nghiệp trồng người

09:17, 31/05/2018

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk năm 1996, cô giáo Nguyễn Thị Hoa Mỹ về nhận công tác tại Trường Tiểu học Tô Hiệu (TP. Buôn Ma Thuột).

Với lòng yêu nghề, tâm huyết với nghề, để học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức, cô Mỹ cố gắng tìm tòi những phương pháp dạy sinh động, linh hoạt trong từng bài giảng; tập trung khơi gợi sự sáng tạo - tìm tòi - tự học của học sinh. Với những em học sinh giỏi, cô giúp các em phát huy tố chất, say mê, tự tìm tòi được cái hay trong các môn học... Còn đối với các em học sinh có học lực yếu, cô tìm nhiều giải pháp giúp các em lấy lại kiến thức cơ bản như: phân công bạn giỏi kèm bạn yếu, tổ chức hình thức “đôi bạn cùng tiến”... Ngoài ra, cô luôn liên hệ chặt chẽ với phụ huynh học sinh, nhắc nhở những em còn mải chơi, lực học còn hạn chế. Nhờ đó, kết quả học tập các lớp cô đảm nhiệm giảng dạy không có học sinh yếu kém, tỷ lệ học sinh khá giỏi luôn tăng lên hằng năm, 100% học sinh lên lớp.

Cô Nguyễn Thị Hoa Mỹ  (thứ hai từ trái sang) kiểm tra mô hình  vật chất phục vụ giảng dạy.
Cô Nguyễn Thị Hoa Mỹ (thứ hai từ trái sang) kiểm tra mô hình vật chất phục vụ giảng dạy.

 Với sự nỗ lực của bản thân, tháng 1-2013 cô Mỹ được tín nhiệm đề bạt giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng nhà trường. Trên cương vị mới, trách nhiệm nặng nề hơn, cô phát động phong trào học tập, nâng cao trình độ, khơi dậy ý thức tự học, tự nghiên cứu, học hỏi lẫn nhau trong tập thể giáo viên nhằm nâng cao trình độ chuyên môn. Cô cùng với cấp ủy, Chi bộ, Ban Giám hiệu nhà trường lãnh đạo chỉ đạo, tổ chức cho đội ngũ giáo viên tích cực tham gia phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) và được Hội đồng khoa học thành phố công nhận 7 đề tài. Ngoài ra, cô và tập thể lãnh đạo nhà trường còn tổ chức cho giáo viên, học sinh tích cực tham gia các phong trào, hội thi, hội thao... như: giáo viên dạy giỏi cấp thành phố; cuộc thi bài giảng E-Learning; Hội thao ngành giáo dục; phụ trách sao giỏi; thi giao lưu “Tiếng Việt của chúng em”... và đoạt nhiều giải cao.

Bản thân cô Mỹ luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, tham khảo các loại tài liệu, sách báo để nâng cao kiến thức, kỹ năng của mình. Trong công tác cô luôn bám sát vào kế hoạch và nhiệm vụ năm học của ngành và ứng dụng nhạy bén những thành quả từ các năm học trước để xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể. Cô còn hòa đồng, lắng nghe góp ý từ các đồng nghiệp, mạnh dạn đề xuất nhiều ý kiến thiết thực, phát động phong trào, đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá học sinh. Chính sự nhiệt tình, sẵn sàng lắng nghe và sẻ chia kinh nghiệm nên cô luôn được đồng nghiệp yêu thương, học sinh quý mến.

Trong suốt 22 năm giảng dạy, cô giáo Nguyễn Thị Hoa Mỹ đã được tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu. Cụ thể: Năm 2012, cô đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; năm 2015, đạt giải thưởng Nhà giáo tiêu biểu; năm 2017, đoạt giải Nhất Cuộc thi bài giảng E-learning. Bốn năm liền (2013- 2016), cô được Đảng ủy phường Ea Tam tặng Giấy khen đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 5 năm liền đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” (2013-2017). Tuy nhiên, với cô Mỹ, niềm vui lớn nhất là được truyền thụ kiến thức cho học sinh và chứng kiến các em ngày càng trưởng thành.

Viết Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.