Multimedia Đọc Báo in

Đường đến trường của học sinh vùng khó và tấm lòng cô giáo

08:58, 05/05/2018

Tại Hội thi Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp Tiểu học (TH) cấp tỉnh năm học 2017-2018 do Sở GD-ĐT vừa tổ chức, Ban giám khảo và người xem đặc biệt ấn tượng về phần thi với câu chuyện kể đầy xúc động của một cô giáo đang công tác ở vùng đặc biệt khó khăn. Đó là cô giáo Lê Thị Ánh Dương, giáo viên Trường TH Ngô Gia Tự (xã Krông Á, huyện M’Đrắk) - một trong ba thí sinh đoạt giải Nhất của Hội thi.

Bằng chất giọng nhẹ nhàng và lối kể chuyện mộc mạc tự nhiên, kết hợp với những hình ảnh minh họa một cách chân thực, sinh động, cô giáo Ánh Dương đã đưa người nghe cùng đến thăm nhà một cậu học trò người dân tộc Tày tên Hà Quốc Kiệu ở thôn 6 xã Krông Á (huyện M’Đrắk). Vì Kiệu thường xuyên đi học muộn, đến mùa mưa lại nghỉ học cả tuần mà không xin phép dù cô giáo đã nhiều lần nhắc nhở nên cô quyết định đến  gia đình em để tìm hiểu sự tình. Đó là một trải nghiệm không bao giờ quên được của một cô giáo trẻ khi vừa đi vừa hỏi thăm nhà, vừa dò tìm suốt chặng đường dài hun hút trơn trượt, lầy lội, lúc cheo leo trên triền đồi cao, khi băng qua dưới dòng suối chảy xiết, có khi cả xe và người trượt sóng xoài giữa bùn lầy trên đoạn đường vắng vẻ, cô đành tự mình xoay xở. Cung đường trắc trở đôi lúc đã làm cô nản lòng, chùn bước, nhưng rồi tình yêu thương học sinh và tinh thần trách nhiệm đã thôi thúc cô tiếp tục một mình đi hết quãng đường. Từ trải nghiệm này, nỗi lo lắng, bực dọc trong lòng cô chuyển thành một niềm thương cảm vô bờ, một nỗi day dứt khôn nguôi với biết bao lời tự vấn: “Con đường đến trường của học trò mình đây ư? Đôi chân bé nhỏ của em hằng ngày vẫn phải vượt quãng đường này để đến trường sao? Vậy mà mình không hề hay biết, lại luôn trách mắng em…”.

Cô giáo Ánh Dương trình bày câu chuyện kể tại hội thi.
Cô giáo Ánh Dương trình bày câu chuyện kể tại hội thi.

Sau chuyến đi thăm nhà em Kiệu, cô đã báo cáo với nhà trường và kể lại với cả lớp  để các em cùng thấu hiểu, chia sẻ với hoàn cảnh của bạn, từ đó tìm cách giúp đỡ em Kiệu vơi bớt khó khăn trong cuộc sống cũng như trên đường tới lớp. Cô dành nhiều thời gian để giúp đỡ kèm cặp em học tập và động viên em đi học chuyên cần. Nhận được sự quan tâm chia sẻ của thầy cô, bè bạn, Kiệu như được tiếp thêm động lực nên đã cố gắng đi học chuyên cần, đúng giờ, học hành tiến bộ hơn.

Kể đến đây, giọng cô Dương bỗng chùng lại như muốn tâm sự cùng với những đồng nghiệp có mặt trong Hội thi: “Câu chuyện của tôi không có gì đặc biệt, hẳn với mỗi giáo viên chủ nhiệm việc đến thăm nhà học sinh là chuyện rất đỗi bình thường. Nhưng với tôi, lần đi vào nhà cậu bé đó thật sự là một bài học lớn, tôi hiểu ra rằng làm giáo viên chủ nhiệm là phải luôn quan tâm, gần gũi để hiểu, để cảm thông và chia sẻ nhiều hơn với học sinh, đặc biệt là với những em có hoàn cảnh khó khăn. Có những việc, người giáo viên không chỉ hoàn thành bằng tinh thần trách nhiệm cao mà còn cần phải bằng cả trái tim yêu thương. Cũng giống như cậu học trò nhỏ của tôi, mặc dù học chưa tốt lắm nhưng với em hằng ngày chuyên cần đến lớp đúng giờ đã là cả một nỗ lực vượt bậc đáng khen ngợi, đến giờ em đã là học sinh lớp 8 Trường THCS Phan Đình Phùng ”.

Bằng trách nhiệm với nghề và tình yêu thương học sinh, từ ngày nhận công tác vào năm 2009 đến nay, cô giáo Ánh Dương vẫn gắn bó với ngôi trường tiểu học có hơn 80% là học sinh dân tộc thiểu số. Dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng cô luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hai năm học gần đây cô đều được công nhận Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Câu chuyện giản dị của cô giáo Ánh Dương với những cảm xúc chân thật trong lời kể và những hình ảnh về con đường lầy lội, về một cô giáo mảnh mai mang đôi dép lấm bùn cầm tay cậu học trò đi chân đất trước ngôi nhà đơn sơ đã thật sự làm lay động trái tim của tất cả các đồng nghiệp có mặt trong Hội thi, để rồi những tình cảm sâu lắng đó sẽ mang theo lời nhắn gửi của cô lan tỏa đến với tất cả mọi người một thông điệp về tình yêu thương trong sự nghiệp trồng người.

Ngọc Thơm


Ý kiến bạn đọc