Tô điểm cho lớp học vùng sâu
Những ngày cuối năm học, chúng tôi có dịp đến thăm trường mầm non xã Ea Hiao (huyện Ea H’leo). Tuy cơ sở vật chất trường học còn thiếu thốn, tạm bợ nhưng sự chung tay “tô điểm” cho lớp học của các cô giáo, học sinh và cả phụ huynh tạo nên niềm vui và tiếp thêm mơ ước tới trường cho trẻ.
Trực tiếp đến thăm các điểm trường, chúng tôi mới thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của cô trò nơi đây. Tại điểm trường Mầm non lá ghép buôn Bir chỉ có một phòng học duy nhất được xây dựng tạm trên đất của Trường Tiểu học Lê Lai, chỉ có mình cô giáo Phạm Thị Thu Thơm phụ trách. Lớp có 30 cháu từ 4 - 5 tuổi, tất cả mọi sinh hoạt, học tập, vui chơi, cất giữ đồ dùng, bàn ghế của các cháu chỉ gói gọn trong căn phòng nhỏ chưa tới 20m2, mùa khô thì nóng còn mùa mưa thì dột. Ấy thế mà trong căn phòng chật chội ấy, cô Thơm cùng các em đã sáng tạo trang trí thành những ô khác nhau rất sinh động, làm bừng sáng cả không gian lớp học, khơi gợi sự hứng thú đến lớp cho các cháu. Hằng ngày, cô Thơm phải xách xô đi xin nước ở Trường Tiểu học Lê Lai và người dân xung quanh về cho các cháu rửa ráy cũng như vệ sinh lớp học.“Ở đây chủ yếu là giếng đào, mùa khô thường xuyên thiếu nước, cả người dân lẫn cô trò đành chịu cảnh thiếu nước, nhưng các em vẫn đi học chăm chỉ”, cô Thơm chia sẻ.
Điểm trường Mầm non lá ghép buôn Bir. |
Cách điểm trường chính hơn 10 km, điểm trường ở thôn 7A nằm trên một quả đồi, cũng chỉ có một phòng học mượn tạm hội trường thôn cho các cháu cả lớp bé, lớp nhỡ và lớp lớn. Để tới trường, các em học sinh phải vượt qua những cung đường dốc cheo leo sỏi đá đầy ổ voi. Phụ huynh học sinh chủ yếu sống nhờ vào nương rẫy, kinh tế khó khăn, nhưng thương cảnh cô trò mỗi ngày loay hoay với lớp học tạm đã huy động nhau đóng góp cùng với nhà trường làm thêm mái tôn trước sân để có chỗ cho các em vui chơi, tránh nắng mưa. Cũng như những điểm trường khác, tại đây không có hệ thống nước và nhà vệ sinh. “Năm ngoái nhà trường cùng phụ huynh dựng tạm một cái chòi để đi vệ sinh nhưng nhỏ quá người lớn cũng không thể chui vừa”, cô Bùi Thị Mỹ My – Hiệu phó Trường Mầm non xã Ea Hiao chia sẻ. Dù thiếu thốn là vậy nhưng cô trò nơi đây luôn chịu khó trang trí lớp học bằng những chậu hoa hay món đồ chơi mà cô tự làm từ miếng xốp, vỏ chai nhựa và giấy. Với cô Sương, đó cũng là cách để trẻ hứng thú tới trường và học tốt hơn. “Do không đủ điều kiện để bố trí được lớp học bán trú nên bố mẹ phải sáng đưa con đi, trưa tất bật từ nương rẫy đến trường đón con về cho ăn, chiều lại mang con đến lớp, mất rất nhiều thời gian. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều gia đình không cho trẻ tới lớp. Việc đi vận động từng phụ huynh cũng có nhiều khó khăn nên việc trang trí cho không gian lớp học và tạo cho các em một sự hào hứng mong muốn đến lớp để “mỗi ngày ở lớp là một ngày vui” cũng phần nào giúp cho cô giáo đứng lớp rất nhiều”, cô Sương tâm sự.
Giờ học ở điểm trường thôn 7A với những món đồ giản dị do cô trò cùng làm. |
Trường mầm non xã Ea Hiao hiện có 15 điểm trường với 557 học sinh trong độ tuổi từ 3 – 5 tuổi. Trong đó 14 điểm trường lẻ đều phải học nhờ trong Nhà sinh hoạt cộng đồng, những căn nhà tạm hoặc học ghép với các lớp khác. Hầu hết các điểm lẻ không đủ nước sinh hoạt, không có công trình vệ sinh nên rất khó khăn trong việc tổ chức ăn bán trú cũng như thực hiện chương trình học. Dù vậy nhưng năm học vừa qua, cô và trò nơi đây đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Tỷ lệ trẻ chuyên cần đạt 98,4%, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 98%, trường tham gia Chuyên đề xây dựng và sử dụng môi trường lấy trẻ làm trung tâm đoạt giải Nhất cấp huyện và giải C cấp tỉnh...
Băng Châu
Ý kiến bạn đọc