Multimedia Đọc Báo in

Tập trung ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất giáo dục cho vùng khó khăn

09:07, 25/08/2018
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho năm học mới trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn tất. Bên cạnh những thuận lợi, ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông PHẠM ĐĂNG KHOA, Giám đốc Sở GD-ĐT.
 
Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa.
Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa.
°Năm học 2018-2019 sắp khai giảng, vậy công tác chuẩn bị cho năm học mới trong thời gian qua đã được triển khai như thế nào, thưa ông?
 
Để chuẩn bị cho năm học mới, ngành GD-ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh để ban hành kế hoạch huy động trẻ ra nhà trẻ, vào mẫu giáo, vào lớp 1, lớp 6 và vào lớp 10. Đến nay, qua nắm bắt sơ bộ, các địa phương đều thực hiện hiệu quả công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp.
 
Thứ hai là về đội ngũ giáo viên thì các trường, các đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT đã tiến hành rà soát lại đội ngũ giáo viên thừa - thiếu ở từng môn học và báo cáo về Sở. Trên cơ sở đó, Sở sẽ thực hiện công tác phân công, điều chuyển giáo viên nhằm bảo đảm tỷ lệ giáo viên phù hợp. Bên cạnh đó, ngành đã triển khai công tác tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng chính trị cho đội ngũ giáo viên. Đến giữa tháng 8 cơ bản các nội dung tập huấn để chuẩn bị cho năm học mới đã được tiến hành theo đúng kế hoạch.
 
Thứ ba là về chuẩn bị về cơ sở vật chất, đối với các đơn vị thuộc phòng GD-ĐT quản lý, chúng tôi đã có văn bản gửi cho UBND các huyện và phòng GD-ĐT để có sự phối hợp trong việc tăng cường cơ sở vật chất chuẩn bị cho năm học mới như: mua sắm, sửa chữa bàn ghế, trang thiết bị, tu bổ phòng học, sửa sang công trình phụ trợ ở các nhà trường... Với sự quan tâm của các cấp chính quyền và toàn ngành Giáo dục, từ nhiều nguồn vốn, năm học 2018-2019, toàn tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường lớp, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học.
 
°Ông có thể cho biết những khó khăn lớn nhất của tỉnh ta trong công tác chuẩn bị cho năm học mới?
 
Trong quá trình tham mưu cho UBND tỉnh, chúng tôi nhận thấy có một số khó khăn nổi cộm. Thứ nhất, đối với vùng sâu vùng xa, hiện nay cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, cụ thể là đối với cấp mầm non và tiểu học thì tỷ lệ phòng học nhờ, học tạm còn nhiều. Mặt khác, do địa bàn phân tán, dân cư thưa thớt, nếu không thành lập các điểm trường thì rất khó để huy động trẻ ra lớp nên toàn tỉnh hiện có khoảng 1.800 điểm trường ở bậc mầm non, tiểu học. Hiện nay chủ trương của Bộ GD-ĐT là dồn các điểm trường ở những nơi thuận lợi, đối với vấn đề này chúng tôi đã tham mưu cho UBND tỉnh để chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện, tuy nhiên đây cũng là một trong những thách thức rất lớn đối với ngành GD-ĐT.
 
Cơ sở vật chất các trường vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Trong ảnh: Một tiết học ở Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Krông Bông).
Cơ sở vật chất các trường vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Trong ảnh: Một tiết học ở Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Krông Bông).
Thách thức thứ hai là tình trạng thừa - thiếu giáo viên. Đối với khối mầm non thì thực hiện theo Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, ngày 16-3-2015 của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Hiện nay ở các địa phương trong cả nước nói chung chứ không riêng Đắk Lắk đang rất khó khăn khi thực hiện Thông tư này. Đối với tỉnh Đắk Lắk nếu áp dụng theo Thông tư này thì cần thêm hơn 1.000 giáo viên mới có thể đáp ứng được. Mặt khác, tại Đắk Lắk có tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ, ở bậc trung học cơ sở và tiểu học thì thừa, nhưng ở bậc mầm non thì lại thiếu giáo viên và việc điều hòa giáo viên ở các địa phương với nhau theo phân cấp hiện nay hết sức khó khăn.
 
Một khó khăn nữa là về cơ sở vật chất. Tỉnh Đắk Lắk là một trong những địa phương có tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp còn thấp so với cả nước - hiện nay mới chỉ đạt được 61,3% kiên cố hóa. Theo Quyết định 286/QĐ-TTg, ngày 9-3-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến 2030, tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp phấn đấu đến năm 2020 phải đạt 80%. Đây là khó khăn rất lớn đối với địa phương. Ngoài vấn đề phòng học, còn các phòng chức năng, các cơ sở phục vụ cho giáo dục thể chất, giáo dục ngoài giờ lên lớp - nhất là ở cấp tiểu học, trung học cơ sở còn thiếu thốn rất nhiều.
 
°Đắk Lắk có 2 huyện đặc biệt khó khăn là Lắk và M’Đrắk và 2 huyện biên giới là Buôn Đôn, Ea Súp. Với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh trong nhiệm vụ chính trị dạy và học, trong năm học mới Sở đã có những tham mưu, hỗ trợ gì để 4 huyện đặc thù này có điều kiện thuận lợi hơn khi bước vào năm học mới?
 
Thời gian qua Sở đã tham mưu với HĐND và UBND tỉnh ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất đối với những huyện khó khăn này. Chẳng hạn như đầu tư cơ sở vật chất thì những huyện phát triển có đối ứng của huyện, nhưng những huyện khó khăn này thì 100% là vốn của tỉnh. Bên cạnh đó khi có các chương trình, dự án từ Trung ương, ngành GD-ĐT cũng ưu tiên cho các huyện vùng sâu, vùng xa này như Dự án trung học cơ sở vùng khó khăn, Chương trình trung học phổ thông giai đoạn 2... Việc cung cấp trang thiết bị, chúng tôi cũng ưu tiên đầu tư để cố gắng đảm bảo các điều kiện cho học sinh ở những vùng khó khăn tiếp cận với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội cũng như giáo dục để giảm thiểu dần chênh lệch về sự phát triển chất lượng giáo dục giữa vùng phát triển và vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
°Xin cảm ơn ông!
 
Lan Anh (thực hiện)
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.