Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui trong những ngôi trường mới

11:20, 09/11/2018

Có được trường lớp học khang trang là niềm mơ ước của giáo viên, học sinh vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với sự quan tâm đầu tư của nhà nước, cũng như cá nhân (xã hội hóa), nhiều trường học mới đã được xây dựng, nhờ đó việc học của các em học sinh đã bớt nhọc nhằn, gian nan.

Đến trường không còn sợ lạnh

Hai điểm trường lẻ mầm non Cư Ral, Cư Te (ở xã Cư Pui, huyện Krông Bông) đang được đầu tư xây dựng khang trang (với diện tích 48 m2/điểm trường) có nhà vệ sinh khép kín, dự kiến trong tháng 11 này sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Năm học 2018-2019, hai điểm trường lẻ này đón 73 trẻ 5 tuổi vào học. Cô giáo H’Hen Niê, phụ trách điểm trường thôn Cư Ral cho biết: "Tôi và các cháu học sinh háo hức được vào học trong phòng học mới vì thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa lạnh. Lớp học hiện tại mùa nắng thì nóng, mùa mưa lại dột. Mùa đông cả cô giáo và trò co ro vì lạnh. Chưa kể, lớp học nền đất nên mỗi khi gió mạnh lùa vào khiến bụi bay mù mịt, cả cô và trò phải lấy tay che mắt, bịt mũi, đến khi mở tay ra thì mặt mũi ai cũng lấm lem". Hai điểm trường Cư Te và Cư Ral đến nay vẫn chưa có điện, nước sinh hoạt, 100% học sinh là người Mông, hiếm có phụ huynh nói được tiếng Việt, do đó giáo viên phải học tiếng Mông mới có thể trao đổi với học sinh, phụ huynh.

Giờ học của các cháu mầm non 4 tuổi Trường Mầm non tư thục Ea Plai ở thôn Ea Plai, xã Cư Né (huyện Krông Búk).
Giờ học của các cháu mầm non 4 tuổi Trường Mầm non tư thục Ea Plai ở thôn Ea Plai, xã Cư Né (huyện Krông Búk).

Điểm trường lẻ thôn Cư Ral cách điểm trường chính gần 10 km. Điểm trường này còn được gọi là “lớp học di động”, vì nhiều năm liền nhà trường phải mượn nhà dân để làm phòng học do chưa có kinh phí để làm. Đến khi vận động được ván, tôn làm lớp học thì lại không có đất, do đó nhà trường phải mượn bãi đất trống giữa thôn - nơi tổ chức các lễ hội, sinh hoạt để cùng với phụ huynh dựng tạm lớp học. Hễ mỗi khi thôn có việc cần sử dụng khoảng đất này thì lớp học lại di chuyển sang địa điểm khác.

 

“Cơ sở vật chất ở các điểm trường lẻ cơ bản hoàn thiện, tuy nhiên những lớp học vùng sâu vẫn còn áp lực về sĩ số học sinh, thiếu giáo viên, nhân viên. Chính vì vậy, các điểm trường lẻ ưu tiên huy động học sinh 5 tuổi ra lớp, còn các cháu ở độ tuổi nhỏ hơn (3-4 tuổi) chưa được ra lớp. Nhà trường mong muốn sớm được phân bổ giáo viên, nhân viên để công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ được tốt hơn”. 

 
 
Cô Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cư Pui

Cô Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cư Pui cho biết: "Phòng học tạm, thiếu trang thiết bị, đồ dùng, đồ  chơi ở 2 điểm trường lẻ này đã được lãnh đạo nhà trường nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương và ngành Giáo dục các cấp. Sau nhiều năm mong đợi, hè năm học 2017-2018, hai điểm trường này đã được đầu tư 750 triệu đồng/điểm trường từ Chương trình kiên cố hóa trường lớp học. Đây là hai điểm trường lẻ cuối cùng trong kế hoạch xóa lớp học tạm, học mượn của xã Cư Pui". Niềm vui có phòng học mới, bảo đảm an toàn không chỉ ánh lên trong ánh mắt, nụ cười của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh mà cả phụ huynh nơi đây. "Mỗi ngày đưa đón con đi học, nhìn thấy công trình phòng học mới dần hoàn thiện, đẹp, phụ huynh thấy vui, yên tâm. Có lớp học mới, từ nay các cháu đi học không phải sợ rét nữa, không phải sợ trời mưa bão làm đổ nhà, yên tâm gửi cho cô giáo để đi nương, đi rẫy rồi...”, ông Ma Văn Phín, phụ huynh của em Ma Văn Chung ở thôn Cư Te phấn khởi nói.

Tiếp bước học sinh vùng sâu

Điểm trường lẻ Ea Plai của Trường Mầm non Sao Mai ở thôn Ea Plai (xã Cư Né, huyện Krông Búk) đã xuống cấp nhiều năm, phải mượn nhà dân để học, thiếu thiết bị, đồ dùng, đồ chơi. "Thôn có 215 hộ, với hơn 500 nhân khẩu, số trẻ em ở độ tuổi từ 3-5 tuổi đông, trong khi trường công lập ở xã vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, nhưng phụ huynh nào cũng mong muốn cho con đến lớp", ông Lê Văn Hùng, Trưởng thôn Ea Plai cho biết.

Các cháu ở thôn Ea Plai, xã Cư Né (huyện Krông Búk) được học tập, vui chơi trong ngôi trường mới  khang trang, đầy đủ  đồ dùng, đồ chơi.
Các cháu ở thôn Ea Plai, xã Cư Né (huyện Krông Búk) được học tập, vui chơi trong ngôi trường mới khang trang, đầy đủ đồ dùng, đồ chơi.

Thấu hiểu nỗi vất vả cũng như mong mỏi của các em học sinh, phụ huynh trong thôn về một ngôi trường mầm non kiên cố, đầu năm 2018, vợ chồng cựu chiến binh Hồ Phúc Vượng ở thôn Ea Plai đã đầu tư 1,8 tỷ đồng xây dựng Trường Mầm non tư thục Ea Plai. Công trình có diện tích hơn 400 m2, gồm các hạng mục: phòng hiệu bộ, 3 phòng học (mỗi phòng rộng 42 m2) trang bị đầy đủ đồ dùng học tập, đồ chơi, phòng bếp, khu nhà vệ sinh và sân chơi 130 m2. Năm học 2018-2019, trường đón nhận hơn 100 trẻ ra lớp (từ 1,5 - 5 tuổi) và 6 giáo viên là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, có trình độ đạt chuẩn. Trường Mầm non tư thục Ea Plai đi vào hoạt động đã đáp ứng được nhu cầu học bán trú của trẻ, đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho sinh viên đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương đã tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm chưa có việc làm. “Chúng tôi thống nhất với phụ huynh thu học phí và tiền ăn là 750.000 đồng/trẻ/tháng. Những trẻ thuộc hộ nghèo, gia đình khó khăn, nhà trường giảm học phí từ 20-30% nhằm tạo điều kiện cho các cháu được đến lớp đúng độ tuổi”, ông Vượng cho hay.

Rời ngôi trường mầm non tư thục do hai vợ chồng cựu chiến binh xây dựng khi giờ học buổi chiều bắt đầu, tiếng giảng bài của cô giáo trẻ, cùng tiếng đọc bài của các em học sinh vang lên khiến chúng tôi vui đến lạ!.

Hoàng Ân - Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc