Những sáng chế hữu ích của học sinh "trường làng"
Mặc dù còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất, máy móc kỹ thuật để nghiên cứu, sáng tạo nhưng Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THCS lần thứ V do Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Buôn Hồ tổ chức vẫn cho ra đời nhiều sáng chế độc đáo, hữu ích.
Trong số những sản phẩm tham dự cuộc thi, ấn tượng nhất là đề tài “Ứng dụng chất Anthocyanin trong hoa hồng làm chất chỉ thị an toàn trong hóa học” của em Phạm Thị Thu Thảo, học sinh Trường THCS Trần Phú. Thu Thảo cho biết, trong quá trình học môn Hóa học có nhiều tiết thực hành học sinh không đủ giấy quỳ tím để làm thí nghiệm nên em đã nảy ra ý tưởng tự làm ra một loại giấy quỳ có chức năng tương tự như giấy quỳ tím đang sử dụng hiện nay nhưng giá thành rẻ hơn, không gây hại cho sức khỏe và luôn có sẵn trong tự nhiên.
Ban giám khảo tham quan các gian trưng bày. |
Xuất phát từ thực tế màu sắc của Anthocyanin phụ thuộc vào PH môi trường nên ngoài giờ học trên lớp Thảo đã dành thời gian chọn những nguyên liệu thiên nhiên chứa nhiều sắc tố tím và hồng để làm chất chỉ thị như: quả nho, dâu, bắp cải tím, lá tía tô, cà tím… Qua nhiều lần thử nghiệm, Thảo quyết định làm giấy quỳ từ hoa hồng, vì đây là nguyên liệu dễ tìm, giá thành rẻ và có hàm lượng Anthocyanin khá cao. Kết quả của đề tài đã thuyết phục được Ban giám khảo vì chỉ sau vài giây thí nghiệm, giấy quỳ đã chuyển màu đỏ khi gặp môi trường axit, đổi màu xanh khi gặp môi trường bazơ và không đổi màu khi gặp môi trường trung tính.
Ông Nguyễn Phỉ Đính, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Buôn Hồ
|
Không chỉ quan tâm đến các lĩnh vực y sinh - khoa học sức khỏe, hóa học, vật lý – cơ khí…, tham dự cuộc thi năm nay còn có đề tài “Biện pháp khắc phục nạn tảo hôn của học sinh THCS trong vùng dân tộc thiểu số” thuộc lĩnh vực khoa học xã hội – hành vi của bạn H'The Hi Niê và H'Thoa Niê, học sinh Trường THCS Tô Vĩnh Diện. Nhờ gần gũi, bám sát thực tiễn cuộc sống nên đề tài này đã giành giải Nhì tại cuộc thi. Trường THCS Tô Vĩnh Diện nằm ở vùng ven của thị xã Buôn Hồ, có tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm 100%, cơ sở vật chất thiếu thốn nên khi có ý tưởng tham gia dự thi, hai bạn đã phải đầu tư thời gian để tiếp cận với những trường hợp đã bỏ học giữa chừng để kết hôn. Sau khi hoàn thành bộ câu hỏi, H'The và H'Thoa lại miệt mài tìm đến các thôn, buôn khảo sát thực trạng, nguyên nhân và hậu quả của nạn tảo hôn bằng phiếu trắc nghiệm, sau đó thống kê và xử lý số liệu. H'The chia sẻ: “Em hy vọng thông qua đề tài này, các bạn học sinh cùng phụ huynh sẽ hiểu được hậu quả nghiêm trọng của nạn tảo hôn, từ đó đấu tranh chống những quan điểm lạc hậu ngay từ trong gia đình và cộng đồng để hạn chế tình trạng tảo hôn ở trẻ vị thành niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Đề tài “Ứng dụng chất Anthocyanin trong hoa hồng làm chất chỉ thị an toàn trong hóa học” của học sinh Trường THCS Trần Phú. |
Ngoài những sản phẩm đạt giải, cuộc thi còn có rất nhiều sản phẩm đẹp mắt, độc đáo và thân thiện với môi trường như: “Mô hình máy cào, hốt cà phê, hồ tiêu tự động”, “Bếp lò cháy bằng khí gas từ các loại nhiên liệu sinh khối”, “Bóng đèn Javen – Giải pháp ánh sáng cho người nghèo”...
Ông Nguyễn Phỉ Đính, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Buôn Hồ đánh giá: Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THCS là động lực thúc đẩy học sinh nghiên cứu, sáng tạo khoa học - kỹ thuật và vận dụng tổng hợp các kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn cuộc sống, góp phần đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường, mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển tài năng của học sinh.
Như Quỳnh
Ý kiến bạn đọc