Multimedia Đọc Báo in

Lo ngại chất lượng học tiếng Anh của sinh viên!

11:03, 24/02/2019

Hiện nay dù ngoại ngữ đang trở thành một phương tiện quan trọng trong hội nhập thị trường lao động quốc tế thì vẫn còn rất đông sinh viên không thể sử dụng tiếng Anh giao tiếp ở mức đơn giản!

Điều đáng lo ngại là cứ mỗi khi các trường đại học muốn nâng chuẩn đầu ra về ngoại ngữ là y như rằng lại “vấp” phải phản ứng dữ dội từ sinh viên với rất nhiều lý do. Điển hình như mới đây khi Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh thông báo trước khi xét tốt nghiệp sinh viên phải nộp Chứng chỉ TOEIC 4 kỹ năng thay vì Chứng chỉ TOEIC 2 kỹ năng như trước đây thì nhiều sinh viên bày tỏ bức xúc trên mạng xã hội Facebook vì cho rằng sự thay đổi này quá đột ngột. Hay như vào đầu tháng 12-2018, khi thông tin từ tháng 2-2019, cấu trúc đề thi TOEIC sẽ thay đổi được công bố, đã có hàng nghìn sinh viên chen nhau xếp hàng từ nửa đêm chỉ để đăng ký dự thi trước thời điểm này bởi… lo sợ đề thi kiểu mới sẽ khó hơn. Hai câu chuyện này càng cho thấy tiếng Anh thực sự là “nỗi ám ảnh” của rất nhiều sinh viên.

Sinh viên chuyên ngữ Trường Đại học Tây Nguyên tự trau dồi khả năng ngoại ngữ.
Sinh viên chuyên ngữ Trường Đại học Tây Nguyên tự trau dồi khả năng ngoại ngữ. Ảnh: N.Hoa

Thực tế, có nhiều sinh viên vô cùng chật vật, thi đi thi lại nhiều lần mới vượt qua “cửa ải” tiếng Anh để ra trường. Cho dù nhiều trường chỉ yêu cầu dùng chứng chỉ B1 nội bộ của trường nhưng tiếng Anh vẫn là thử thách lớn của nhiều sinh viên. Trình độ tiếng Anh đầu vào của đại học chính là kết quả đầu ra của giáo dục phổ thông. Vậy, ở bậc phổ thông học sinh đã được học tiếng Anh như thế nào? Chất lượng ra sao?

Có thể nói, ở bậc phổ thông hiện nay, trừ những học sinh có định hướng thi đại học có môn tiếng Anh hoặc đi du học tập trung đầu tư thời gian và tiền bạc cho môn học này và có kết quả ở mức khá, giỏi thì phần lớn số còn lại chỉ học tiếng Anh “làng nhàng” sao cho đủ điều kiện tốt nghiệp. Mỗi tuần có vài tiết tiếng Anh; trong mỗi buổi học, học sinh chỉ phải thực hành nói vài câu. Bài kiểm tra một tiết, giữa kỳ hay cuối kỳ và cả tốt nghiệp chỉ thi đọc - viết chứ không thi nghe - nói nên số đông học sinh không có nhu cầu luyện kỹ năng nghe - nói. Giáo viên cũng chủ yếu tập trung dạy từ vựng và ngữ pháp vì đó là nội dung “sống còn” để học sinh có thể tốt nghiệp.

Lên đến đại học, sinh viên lại được tiếp tục học tiếng Anh ở những lớp còn đông hơn lớp phổ thông. Lớp học đông sinh viên, thời gian ít nên giảng viên không thể chú ý đến từng sinh viên cũng không thể luyện nghe - nói nhiều mà chỉ có thể tập trung vào dạy ngữ pháp. Tổng số tiết học ngoại ngữ của sinh viên phổ biến là 120 tiết; trong khi đó giáo trình lại dành cho đối tượng đã học qua tiếng Anh 7 năm ở phổ thông nên đối với những sinh viên yếu hoặc mất gốc ngoại ngữ thì việc theo kịp chương trình gần như là “nhiệm vụ bất khả thi”!. Hậu quả là trầy trật thi đi thi lại vẫn nợ chứng chỉ B1 nên không thể tốt nghiệp.

Dù không muốn đổ lỗi cho ai vì “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” nhưng giá như ngay từ khi bắt đầu học tiếng Anh, học sinh đã được học và thi toàn diện các kỹ năng nghe – nói - đọc - viết một cách nghiêm túc, thực chất; việc tổ chức học ngoại ngữ ở bậc đại học hiệu quả hơn thì chắc rằng sẽ không có tình trạng nhiều sinh viên học ngoại ngữ gần 10 năm vẫn không thể giao tiếp được với người nước ngoài! 

Lại Thị Ngọc Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.