Những cô giáo có nhiều sáng kiến
Với tinh thần trách nhiệm và sự đam mê, nhiệt huyết, nhiều giáo viên đã có những cách làm sáng tạo trong công tác quản lý cũng như giảng dạy. Thành quả mà họ đem lại là trường lớp khang trang, nuôi bé khỏe, dạy bé ngoan, là sự say mê học tập và giành được nhiều giải thưởng của học sinh...
Hết lòng với giáo dục mầm non ở vùng sâu
Năm 2011, cô Hoàng Thị Thu được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Cư Pui, xã Cư Pui, huyện Krông Bông. Khi ấy, ngôi trường mẫu giáo ở vùng sâu này vô cùng thiếu thốn về cơ sở vật chất, trường có tới 13 điểm lẻ, một số điểm lẻ phòng học là nhà lá tạm bợ, chưa có khu vui chơi cho trẻ, chưa mở được lớp dành cho trẻ 3 tuổi, không có bếp ăn bán trú...
Cô Hoàng Thị Thu. |
Quyết tâm xây dựng cơ sở giáo dục khang trang, sạch đẹp cho trẻ mầm non vùng sâu, cô Thu tham mưu với chính quyền địa phương, phối hợp với các đoàn thể địa phương huy động bằng hình thức xã hội hóa với số tiền hàng trăm triệu đồng để xây dựng hơn 3.000 m2 sân bê tông, hơn 600 m2 mái hiên che mưa, che nắng. Cô sử dụng ngân sách nhà trường mua 300 m2 thảm lót để các cháu an toàn khi vui chơi, đầu tư xây dựng khu vui chơi gồm các mô hình như cầu trượt, nhà banh, khu vui chơi với cát biển...
Từ năm học 2013 - 2014, cô Thu triển khai mô hình lớp học bán trú dân nuôi tại điểm chính và bắt đầu mở lớp mẫu giáo 3 tuổi. Tại nhiều điểm trường, cô cho trồng nhiều cây xanh, cây ăn quả, cây cảnh, vận động mỗi phụ huynh đóng góp một chậu cây hoa kiểng nhỏ để góp phần làm đa dạng hệ thống thực vật ngay trong môi trường giáo dục, mỗi loại cây đều có gắn tên để các cháu học sinh tập đọc tên và tìm hiểu về các loài thực vật thông qua các tiết ngoại khóa, trải nghiệm. Cô đã xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động vô cùng ý nghĩa như “Phiên chợ quê”, hội thi “Bé khỏe, bé ngoan”; giáo dục cho trẻ thực hành việc thu dọn và giữ gìn vệ sinh chung.
Với đặc thù xã vùng sâu có hơn 80% dân số là người dân tộc thiểu số, cô Thu đặc biệt chú trọng giảng dạy tiếng Việt thông qua các hoạt động giáo dục; mỗi đồ vật trong khuôn viên nhà trường cô đều ghi các chữ cái với nhiều mẫu chữ khác nhau để thông qua hoạt động vui chơi các cháu được tiếp cận với tiếng Việt. Bằng hoạt động này, Trường Mầm non xã Cư Pui đã từng đoạt giải Nhất cấp huyện và giải A cấp tỉnh trong Hội thi xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt lấy trẻ người dân tộc thiểu số làm trung tâm.
Để nâng cao chất lượng giáo dục, cô đã phát động cho các cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường tích cực tham gia các hoạt động như thi Giáo viên dạy giỏi các cấp, thi làm đồ dùng dạy học, thi cấp dưỡng giỏi, viết sáng kiến kinh nghiệm... Trong năm học 2018 – 2019, bản thân cô Thu cũng đoạt giải B trong cuộc thi viết sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện.
Nói về cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Thu, ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch xã Cư Pui nhận xét: "Cô Thu là một người tâm huyết và có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục tại địa phương".
Gieo niềm say mê môn Địa lý cho học sinh
Năm 2002, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, cô Trần Thị Hồng Nga về công tác tại Trường THPT Trần Quốc Toản (huyện Ea Kar) giảng dạy môn Địa lý.
Cô Trần Thị Hồng Nga. |
Dù là môn khoa học xã hội với rất nhiều kiến thức lý thú và bổ ích song môn Địa lý vẫn bị nhiều học sinh xem nhẹ, thờ ơ, vì đơn thuần coi đây là môn học thuộc. Để học sinh yêu thích môn Địa lý, cô Nga xác định cần thay đổi phương pháp dạy học theo hướng kích thích tính sáng tạo, tự học, tự tìm hiểu... về kiến thức Địa lý thông qua hệ thống các câu hỏi tư duy, câu hỏi mở. Trong các tiết dạy, cô thay đổi cách giảng dạy theo lối gợi mở, thảo luận nhóm; vận dụng nhiều phương pháp và phương tiện dạy học: sử dụng giáo án điện tử với các hình ảnh sinh động, các đoạn video... và khai thác tốt hơn các phương tiện dạy học như Atlat Địa lý để giúp các em dễ hình dung, nắm bắt bài học nhanh hơn.
Bên cạnh công việc giảng dạy trên lớp, cô Nga còn chú trọng công tác bồi dưỡng, ôn tập học sinh giỏi môn Địa lý. Cô đã chọn lựa những em có tố chất, yêu thích môn học này và kiên trì ôn tập cho các em trong khoảng thời gian dài, không kể đêm hay ngày. Gắn bó với học sinh, cô còn tìm hiểu về hoàn cảnh và tâm lý của từng em, từ đó điều chỉnh cách dạy và định hướng theo những phương pháp riêng. Dưới sự dạy dỗ và kèm cặp của cô, nhiều học sinh đã gặt hái được nhiều thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi. Từ năm 2015 đến nay, học sinh do cô Nga bồi dưỡng đã giành 2 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng tại các kỳ thi Olympic 10-3; đoạt 1 giải Nhất, 5 giải Nhì, 1 giải Ba và 1 giải Khuyến khích trong các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh. Từ năm 2010 đến nay, cô cũng đã hướng dẫn được 3 em đạt giải học sinh giỏi Quốc gia; 1 em trúng tuyển vào đội tuyển dự thi chọn học sinh giỏi Quốc gia năm 2019.
Vàng A Hiệp - Đoàn Văn Hân
Ý kiến bạn đọc