Multimedia Đọc Báo in

Phần thưởng không chỉ là... phần thưởng

06:54, 02/06/2019

Theo lẽ thường, phần thưởng được sử dụng như là động cơ thôi thúc các cá nhân thực hiện các hành động để hướng tới đạt được một mục tiêu nào đó. Vì vậy, người ta hay nói “treo thưởng”, “khen thưởng đột xuất”, “cứ làm đi rồi sẽ có thưởng”…

Tuy nhiên, trong giáo dục, phần thưởng dành cho người học không đơn giản chỉ là phần thưởng theo lối nghĩ thông thường mà phải phù hợp với những nguyên tắc giáo dục để đạt được mục tiêu giáo dục của từng cấp học. Trong bối cảnh dư luận xã hội đang quan tâm tới việc khen thưởng cuối năm cho học sinh phổ thông, chúng tôi xin đưa ra một số ý kiến về việc khen thưởng để giáo dục đạt được mục tiêu tổng quát là tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho người học, đúng mục tiêu của giáo dục theo quan điểm của UNESCO là: học để biết, học để làm, học để tồn tại, học để chung sống.

Thứ nhất, hiện nay, việc khen thưởng thường được tổ chức vào dịp cuối năm hoặc cuối học kỳ trong khi việc động viên, khích lệ, khen ngợi cho những hành động đẹp, những nỗ lực thay đổi bản thân của học sinh cần được thực hiện thường xuyên, theo từng ngày. Về mặt tâm lý, đứa trẻ nào cũng rất thích được coi trọng, được thương mến bởi cha mẹ, thầy cô và những người lớn mà chúng phải nương tựa. Sự khen ngợi của người lớn đối với hành động đẹp và thái độ xa lánh với những hành động xấu trong thời gian dài có hiệu quả trong việc điều chỉnh hành vi của đứa trẻ hơn nhiều so với việc sử dụng đòn roi và những lời dọa nạt.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Thứ hai, chính vì việc khen thưởng chỉ được chú trọng vào dịp cuối năm nên có rất nhiều cơ hội được khen thưởng đã bị bỏ qua trong suốt cả năm học. Thực tế cho thấy, thường thì mức khen thưởng dành cho học sinh vào dịp cuối năm sẽ khác nhau tùy theo học sinh đó đạt mức xuất sắc, giỏi hay tiên tiến. Những học sinh có học lực trung bình nhưng học tốt một môn học hoặc có những nỗ lực trong học tập, làm việc tốt, biết giúp đỡ người khác... thường không được khen thưởng. Có lẽ, cũng nên nhấn mạnh rằng, việc khen thưởng học sinh không phải chỉ là công việc được tổ chức bởi nhà trường hay các tổ chức giáo dục mà cần duy trì như hoạt động thường xuyên của mọi giáo viên trong suốt năm học để đảm bảo một môi trường bình đẳng, một không khí tin cậy của học sinh với giáo viên và giữa các học sinh với nhau.

Thứ ba, đối với một đứa trẻ, chúng ta không nên thưởng khi chúng làm việc gì đó có vẻ miễn cưỡng hay chỉ làm để hy vọng được thưởng. Lẽ dĩ nhiên, học sinh vì để đạt được phần thưởng mà cố gắng nỗ lực và vì sợ sự trừng phạt mà tuân thủ các chuẩn mực xã hội thì cũng đã là rất tốt rồi. Tuy nhiên, danh dự và hổ thẹn mới là những động cơ mạnh mẽ nhất đối với tâm trí. Do vậy, phần thưởng hay sự trừng phạt cần được hướng tới tạo cho học sinh lòng yêu mến danh dự và sự hiểu biết thế nào là xấu hổ. Tức là, khi một học sinh đã biết hổ thẹn với hành động đáng bị trừng phạt của mình thì có lẽ không cần áp dụng thêm bất cứ biện pháp trừng phạt nào cho đứa trẻ đó nữa. Và, ngoài việc vui mừng với phần thưởng của mình thì học sinh còn biết vui mừng, tôn trọng phần thưởng của người khác cũng như có thái độ đề cao tất cả những hành động đẹp và nhân cách đẹp khác. Chính điều đó làm nên ý nghĩa thực sự của hoạt động trao phần thưởng trong nhà trường.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc