Vẫn còn bóng bay trong Lễ khai giảng
Cuối tháng 7 vừa qua, bức thư của em Nguyễn Nguyệt Linh (cựu học sinh lớp 5, Trường Marie Curie, Hà Nội) đã tác động tích cực đến nhiều người, nhiều trường học trên phạm vi cả nước.
Trong bức thư, Nguyệt Linh muốn gửi gắm thông điệp “Thả bóng bay lên trời: Bay cao ước mơ của các học sinh – giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển”. Sau khi đọc bức thư, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã viết thư ghi nhận thông điệp nhỏ nhưng ý nghĩa lớn của Nguyệt Linh.
Bộ trưởng viết: “Bác cũng biết rằng, việc không thả bóng bay kèm theo ước mơ bay cao, bay xa trong những giờ phút thiêng liêng của ngày khai trường là con và các bạn đồng trang lứa đã từ bỏ niềm vui nhỏ của tuổi học trò để mở ra ước mơ ý nghĩa hơn. Đó là bảo vệ sự sống của mọi sinh vật trên hành tinh trước vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa…”. Cũng từ thông điệp đó của Nguyệt Linh, nhiều trường học trên phạm vi cả nước đã cam kết sẽ không thả bóng bay trong các dịp lễ như khai giảng, tổng kết năm học…
Bóng bay được sử dụng trong dịp Lễ khai giảng năm học mới tại một trường học trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. |
Nhờ đó, tình trạng sử dụng bóng bay giảm đáng kể. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số trường học ở tỉnh ta nói riêng, phạm vi cả nước nói chung nhất là khối tiểu học, mầm non thả bóng bay trong dịp Lễ khai giảng năm học mới. Mới đây, tham dự Lễ khai giảng năm học mới tại một trường tiểu học trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, tôi chứng kiến có hàng chục quả bóng bay với đủ màu sắc, hình dạng được thả lên bầu trời, với sự thích thú một cách hồn nhiên của hàng trăm học sinh.
Vẫn biết rằng, việc sử dụng bóng bay trong dịp khai giảng hay bất cứ chương trình, hội nghị nào vẫn chưa có quy định cấm, nhưng việc nói không với bóng bay hoặc hạn chế sử dụng bóng bay trong các sự kiện lại có tác động tích cực đến môi trường rất nhiều. Đây cũng là thực hiện nội dung Kế hoạch số 11196/KH-UBND, ngày 20-12-2018 của UBND tỉnh Đắk Lắk về triển khai phát động Phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ngành Giáo dục có trách nhiệm đưa nội dung giáo dục về tác hại của rác thải nhựa và túi nilon khó phân hủy đối với môi trường. Đồng thời phát động giáo viên, cán bộ, học sinh đăng ký tham gia thực hiện phong trào này.
Có thể thấy, việc dừng thả bóng bay trong dịp khai giảng chính là cụ thể hóa các quy định, là hành động thiết thực bảo vệ môi trường sống cho chúng ta. Đồng thời đây chính là sự kết hợp giữa lý thuyết và hành động cụ thể, góp phần tác động mạnh đối với ý thức của các em học sinh ngay từ những ngày đi học đầu tiên. Tiếc là ở đâu đó vẫn còn tình trạng thả bóng bay trong dịp khai giảng.
Xuân Trường
Ý kiến bạn đọc