Độc đáo lớp học "xuyên lục địa"
Vượt qua khoảng cách xa xôi về địa lý, khác biệt về văn hóa, chỉ có "cầu nối" là tiếng Anh thông qua một ứng dụng Internet, lớp học có một không hai mang tên "Kết nối học toàn cầu" đã gắn kết những học sinh của hơn 100 quốc gia trên thế giới cùng giao lưu với nhau,...
Dù đã hơn một tuần kể từ khi sự kiện Kết nối học toàn cầu được tổ chức nhưng dư âm thích thú xen lẫn tự hào vẫn còn vẹn nguyên với cô trò Trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar). Cô Bùi Thị Liên, giáo viên tiếng Anh của trường cho biết, đây là một phần trong chương trình học trực tuyến kết nối toàn cầu do Microsoft tổ chức, với sự tham gia của hàng nghìn trường học trên thế giới. Cô Liên là thành viên của Cộng đồng giáo viên sáng tạo Microsoft toàn cầu từ năm 2017. Chính từ cộng đồng này, cô biết được cách thức kết nối để có thể giúp đưa sự kiện này đến với học sinh trường của mình.
Các em học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự tự tin giao lưu tại sân chơi Kết nối học toàn cầu. (Ảnh do Trường THPT Ngô Gia Tự cung cấp). |
Cô Liên hào hứng kể: Trường THPT Ngô Gia Tự có 74 em học sinh yêu thích tiếng Anh tham gia sự kiện này trong 48 giờ. Năm nay, học sinh trường vinh dự được chọn là đại diện duy nhất của Việt Nam kết nối trò chuyện với ông Anthony Salcito – Phó Chủ tịch khối Giáo dục của tập đoàn Microsoft. Với tổng cộng 23 phiên kết nối, các em đã được làm quen với học sinh nhiều nước trên thế giới. Ngoại trừ giáo viên hướng dẫn biết rõ sẽ kết nối với nước nào, học sinh Việt Nam phải đoán mình đang giao lưu với ai thông qua những câu đố về vùng đất, màu da, văn hóa của mỗi nước…
Chẳng hạn giao lưu với các bạn Nhật Bản, qua những câu đố về biểu tượng đặc trưng của đất nước "mặt trời mọc" như núi Phú Sĩ, hoa anh đào… học sinh Việt Nam sẽ đoán được quốc gia đang kết nối... "Về phía Trường THPT Ngô Gia Tự, để giới thiệu với bạn bè quốc tế về văn hóa Việt Nam, văn hóa Tây Nguyên, chúng tôi đã diễn tấu một bài cồng chiêng, nấu một số món ăn tiêu biểu của đồng bào Êđê như gà nướng, cơm lam… Các bạn học sinh quốc tế đều tỏ ra rất hào hứng, thích thú và bày tỏ muốn tìm hiểu nhiều hơn văn hóa của Việt Nam" - cô Liên tự hào nói.
Học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự giới thiệu văn hóa ẩm thực Tây Nguyên với bạn bè quốc tế. (Ảnh do Trường THPT Ngô Gia Tự cung cấp). |
Em Hồ Thụy Nhật Hạ (học sinh lớp 12A1) chia sẻ: "Dù gói gọn trong một căn phòng nhỏ nhưng chúng em có thể trò chuyện trực tiếp với các bạn cùng trang lứa ở nhiều đất nước khác nhau như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... Khi được nghe các bạn hát, trò chuyện, kể về việc học tập, về đất nước, văn hóa của các bạn… chúng em có cơ hội trau dồi thêm kỹ năng giao tiếp tiếng Anh, có thêm sự hiểu biết... Qua lớp học đặc biệt này, em cảm thấy tiếng Anh không chỉ là môn học mà còn là phương tiện để giúp chúng em đến với những chân trời tri thức mới".
Theo cô Phạm Thị Dinh, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Gia Tự, để đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học, nhà trường luôn khuyến khích giáo viên áp dụng phương pháp dạy học tiên tiến với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Trong đó, học sinh sẽ khám phá tri thức dưới vai trò trung tâm, giáo viên là người định hướng. Sự kiện Kết nối học toàn cầu là năm thứ ba Trường THPT Ngô Gia Tự vinh dự được tham gia với quy mô ngày càng lớn hơn, khẳng định nỗ lực của giáo viên nhà trường trong việc tìm tòi, sáng tạo nhằm truyền cảm hứng, tinh thần học tập hăng say cho học sinh. Học tốt tiếng Anh và thành thạo công nghệ thông tin sẽ giúp các em dễ dàng hội nhập sau khi bước ra cánh cổng trường phổ thông...
Kết nối học tập toàn cầu (tên gọi tiếng Anh là Microsoft Global Learning Connection) là một sự kiện thường niên 48 giờ kết nối cùng học tập trên toàn thế giới. Hàng ngàn học sinh, nhà giáo và diễn giả tham gia hằng năm với mục đích là để "đi du lịch’" khắp thế giới mà không cần bước chân ra ngoài lớp học, thông qua các nền tảng công nghệ như Skype, Microsoft và Flipgrid. Chủ đề của năm 2019 là "Mở rộng trái tim, mở rộng trí óc" khám phá thế giới... |
Thùy Duyên
Ý kiến bạn đọc