Những người "đưa đò" tận tụy
Với lòng yêu nghề, yêu trò, nhiều thầy cô giáo trên địa bàn tỉnh đã thầm lặng cống hiến cho sự nghiệp "trồng người", mải miết, tận tụy với những “chuyến đò” đưa bao nhiêu lớp học trò đến bến bờ tri thức…
Thầy giáo say mê nghiên cứu khoa học
Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Hóa (Trường Đại học Sư phạm Huế), năm 2006 thầy Giáp Thanh Việt về công tác tại Trường THPT Krông Ana (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana), sau đó 2 năm thì chuyển về Trường THPT Phạm Văn Đồng (xã Ea Na, huyện Krông Ana) cho đến nay.
Là giáo viên giảng dạy môn Hóa học, thầy Việt luôn đặt mục tiêu là làm sao truyền tải toàn bộ kiến thức cho học sinh một cách đầy đủ và dễ hiểu nhất. Vì thế, ngoài những giờ học lý thuyết trên lớp, thầy luôn khuyến khích học sinh tham gia các buổi thực hành, thực nghiệm; làm thêm các bài tập để tăng khả năng tính toán, rèn luyện tư duy nhanh và tích lũy thêm kiến thức. Với tâm niệm “đối với người giáo viên, việc quan trọng hàng đầu là phải thu hút và tạo được niềm say mê, yêu thích của người học đối với môn học”, thầy đã tham mưu cho nhà trường về đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng thật dễ hiểu, tạo hứng thú cho học sinh; đồng thời, đổi mới công tác kiểm tra đánh giá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn. Là Tổ trưởng phụ trách Tổ Sinh – Hóa – Công nghệ, thầy Việt tích cực đổi mới hình thức sinh hoạt của tổ chuyên môn bằng việc trao đổi và chia sẻ những phương pháp giảng dạy mới, trao đổi kinh nghiệm trong giảng dạy theo hướng phù hợp với thực tế, hiện đại, tích hợp liên môn; kết hợp đánh giá giờ dạy để giúp đỡ đồng nghiệp cùng phát triển... Thầy Việt còn tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi; học sinh do thầy bồi dưỡng đã giành nhiều giải cao trong các kỳ thi như: 2 Huy chương Vàng trong kỳ thi Olympic 10-3 cấp tỉnh năm 2019; giải Ba kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2018 - 2019…
Thầy Việt (bìa trái) cùng nhóm học sinh được Cụm thi đua số VI trao phần thưởng về thành tích nghiên cứu khoa học năm học 2018 - 2019. |
Không chỉ giỏi chuyên môn, thầy Việt còn là một giáo viên đam mê nghiên cứu khoa học. Với mong muốn kích thích trí tò mò và sự sáng tạo của học sinh, đồng thời có thể vận dụng những kiến thức trong giảng dạy vào việc ứng dụng thực tiễn cuộc sống, thầy Việt đã thành lập nhóm học sinh có chung đam mê khoa học để tìm tòi nghiên cứu và thực hành. Đã có nhiều sáng kiến chuyên môn cũng như các đề tài nghiên cứu khoa học do nhóm khoa học của thầy Việt thực hiện đã đoạt giải cấp cụm, cấp tỉnh và được ứng dụng vào thực tế giảng dạy tại trường. Đặc biệt, trong năm học 2014 - 2015, thầy đã hướng dẫn học sinh thực hiện Đề tài khoa học “Đèn báo giao thông ở các ngã tư nông thôn và cổng trường học sử dụng máy phát điện bằng sức gió công suất nhỏ” và đã đoạt giải Nhất cấp tỉnh và giải Ba cấp quốc gia. Đề tài này đã giúp học sinh tỉnh Đắk Lắk lần đầu tiên đoạt giải Ba tại kỳ thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia.
Cô chủ nhiệm “mát tay”
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Toán (Trường Đại học Tây Nguyên), cô Vũ Thị Phương về công tác tại Trường THPT Thực hành Cao Nguyên (Đại học Tây Nguyên). Với hơn 10 năm công tác của mình, cô Phương luôn dành tình yêu và sự tâm huyết vào những bài giảng với mong muốn không chỉ trang bị kiến thức mà còn gieo tình yêu môn Toán cho học trò của mình.
Môn Toán là môn học khó, đòi hỏi tư duy, kiến thức rất nhiều nên khi giảng dạy, cô Phương luôn suy nghĩ, tìm tòi phương pháp giảng khoa học, hay, dễ hiểu để mọi học sinh đều tiếp cận kiến thức một cách nhanh nhất. Căn cứ vào lực học, sức học của từng học sinh mà cô thiết kế giáo án chuyên môn phù hợp theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. Cô còn thường xuyên nghiên cứu tài liệu, sách tham khảo kết hợp sử dụng giáo án điện tử để tạo nên các tiết học sinh động, thu hút. Chính điều này đã giúp học sinh yêu thích môn Toán hơn. Hằng năm, học sinh ở các lớp cô dạy luôn đạt từ 70% loại khá giỏi trở lên.
Cô Vũ Thị Phương (ở giữa) cùng học trò trong lễ khai giảng năm học 2019 - 2020. |
Không chỉ là dạy giỏi, cô Phương còn được coi là người “mát tay” với vai trò chủ nhiệm. Cô luôn chủ động gần gũi, tìm hiểu hoàn cảnh của từng học sinh để kịp thời động viên, giúp đỡ các em học tập; cũng như những học sinh có hoàn cảnh khó khăn; giáo dục các em về ý chí, nghị lực, niềm tin, lòng bao dung nhân hậu bằng những câu chuyện cuộc sống, những tình huống sư phạm có thật. Nhờ vậy, ở lớp do cô chủ nhiệm, hằng năm tỷ lệ học sinh khá giỏi đều đạt 100%, tỷ lệ học sinh đỗ đại học đạt cao… Cô Phương còn có nhiều thành tích trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Trong năm học 2018 - 2019, đội tuyển học sinh giỏi môn Toán do cô phụ trách đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi: 1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc trong kỳ thi Olympic 10-3; 1 giải Nhì và 2 giải Khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh...
Thầy giáo tận tình với học trò vùng sâu
Sau khi tốt nghiệp cử nhân Sư phạm Toán - Tin Trường Đại học Tây Nguyên, thầy Võ Đức Cường về công tác tại Trường THPT Krông Bông (thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông).
Thầy Võ Đức Cường (bên trái) được UBND tỉnh tặng Bằng khen trong lễ khai giảng năm học 2015 - 2016. |
Công tác tại một ngôi trường vùng sâu vùng xa, thầy Cường gặp rất nhiều khó khăn trong ổn định cuộc sống cũng như trong công tác giảng dạy. Học sinh đa số là người dân tộc thiểu số, nhiều em ở xã vùng sâu phải trọ học xa nhà, việc tiếp thu kiến thức rất khó khăn, không ít em có tâm lý… sợ học Toán. Hiểu được tâm lý đó, thầy Cường đã tìm hiểu và nắm bắt rõ khả năng của từng học sinh để có cách giảng dạy phù hợp; chủ động tổ chức một số trò chơi vui nhộn tạo không khí vui tươi cho lớp học để giảm căng thẳng và thu hút các em; tạo động lực cho học sinh bằng những câu chuyện kể về những gương hiếu học… Khi làm công tác chủ nhiệm lớp, thầy đã cùng nhà trường xuống tận nhà các em để tìm hiểu, động viên gia đình và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đi học lại. Thầy còn mở một lớp dạy kèm miễn phí cho đối tượng là con em người dân tộc thiểu số. Sự tận tâm và tận tụy của thầy đã góp phần cải thiện chất lượng dạy và học môn Toán của trường. Từ việc không có học sinh nào đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi, thầy Cường đã đào tạo, bồi dưỡng nhiều em tham gia các kỳ thi và đoạt được nhiều giải cao như: 3 giải Ba môn Toán cấp tỉnh năm 2016 và năm 2017; 2 Huy chương Đồng môn Toán trong kỳ thi Olympic 10-3 cấp tỉnh năm 2018…
Không chỉ tận tâm với học trò, thầy Cường còn nhiệt tình tham gia các phong trào do nhà trường tổ chức, viết sáng kiến kinh nghiệm được đánh giá cao.
Cao Nguyên
Ý kiến bạn đọc