Multimedia Đọc Báo in

Hợp tác quốc tế - sức bật mới cho đào tạo nguồn nhân lực

18:59, 27/01/2020

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh đã tích cực đẩy mạnh, đa dạng hóa hoạt động hợp tác quốc tế (HTQT) và đạt những kết quả khả quan.

Chủ động hòa “mạng lưới” quốc tế

Là trường trọng điểm của khu vực Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, suốt 42 năm hình thành và phát triển, Trường Đại học Tây Nguyên luôn chủ động liên kết, hợp tác trong đào tạo, đặc biệt là HTQT. 

PGS.TS Trần Trung Dũng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm, xác định HTQT là xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay, và HTQT phải trở thành yêu cầu nội tại trong tiến trình phát triển, từ năm 2012 đến nay, nhà trường đã ký hàng chục biên bản ghi nhớ với gần 20 đối tác là các trường đại học của một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Indonesia, Lào, Thái Lan… và đối tác là các công ty hợp tác du học thực hành cho sinh viên. Nổi bật như: Đại học Wageningen (Hà Lan), Đại học Chonam, Dongguk, Hyupsung (Hàn Quốc), Đại học Niigata, Chi Ba (Nhật Bản)… 

Cán bộ Viện Công nghệ Sinh học và Môi trường (Trường Đại học Tây Nguyên) nghiên cứu nhân giống hoa lan.
Cán bộ Viện Công nghệ Sinh học và Môi trường (Trường Đại học Tây Nguyên) nghiên cứu nhân giống hoa lan.

Tương tự, dù mới thành lập, nhưng Phân hiệu của Trường Đại học Luật Hà Nội tại Đắk Lắk cũng kế thừa và phát huy những kết quả HTQT của nhà trường. Theo TS. Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Quyền Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội, nhà trường hiện có mối quan hệ hợp tác với hơn 30 cơ sở đào tạo, nghiên cứu pháp luật có uy tín trên thế giới. Nhiều chương trình nghiên cứu dành cho cán bộ, giảng viên và trao đổi sinh viên dài hạn, ngắn hạn đã được triển khai có hiệu quả cao như: hợp tác với Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Quốc lập Đài Loan, Đại học La Trobe (Úc), Đại học Tổng hợp Nagoya (Nhật Bản), Đại học Tổng hợp Akron (Hoa Kỳ), Viện Pháp luật châu Á (Singapore), Trung tâm Trao đổi pháp luật châu Á - Đại học Tổng hợp Nagoya (Nhật Bản)…

Theo xu hướng chung, những năm gần đây hoạt động HTQT ở các trường cao đẳng trong tỉnh cũng đã có nhiều khởi sắc. Đơn cử như Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên là một trong 25 trường được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lựa chọn để triển khai thí điểm đào tạo chuyên môn theo các bộ chương trình chuyển giao từ Australia (cụ thể là hợp tác với Học viện Chisholm, bang Victoria, Australia) với hai nghề là Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm); Kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp. 

Đáp ứng nhu cầu nhân lực 4.0

Thông qua các hoạt động HTQT đã giúp các trường đại học, cao đẳng tiếp cận được những kiến thức, công nghệ tiên tiến của thế giới, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực vững vàng về chuyên môn, ngoại ngữ, đủ khả năng đáp ứng môi trường làm việc quốc tế. 

Sinh viên Khoa Nông lâm nghiệp (Trường Đại học Tây Nguyên) thực hành tại nhà màng thí nghiệm.
Sinh viên Khoa Nông lâm nghiệp (Trường Đại học Tây Nguyên) thực hành tại nhà màng thí nghiệm.
 
“Khi đặt vấn đề hợp tác với các đối tác nước ngoài, nhà trường luôn định hướng hợp tác dựa trên những tiềm năng sẵn có, gắn với nhu cầu của địa phương, của vùng Tây Nguyên, như: đa dạng sinh học, nông - lâm nghiệp, y học, du lịch… để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động cũng như ứng dụng các nghiên cứu khoa học vào thực tế một cách hiệu quả”.
 
PGS.TS Trần Trung Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên

Theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên Ra Lan Von Ga, để đáp ứng các yêu cầu của Học viện Chisholm, nhà trường phải vượt qua được kiểm định bốn nội dung theo tiêu chuẩn của học viện này. Học viên được đào tạo theo chương trình hợp tác, khi tốt nghiệp được cấp hai bằng cao đẳng (một bằng do Học viện Chisholm cấp và một bằng do Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên cấp). Điều này giúp sinh viên có cơ hội việc làm rất cao tại các doanh nghiệp trong, ngoài nước, đáp ứng được điều kiện về xuất khẩu lao động tại Australia và các nước phát triển khác.

Việc mở rộng các mối quan hệ HTQT đã giúp Trường Đại học Tây Nguyên tiếp nhận học bổng đào tạo sau đại học; trao đổi cán bộ quản lý giáo dục cũng như sinh viên; phối hợp nghiên cứu, thiết kế chương trình đào tạo… Đồng thời, nhà trường đã tích cực cùng với các đối tác quốc tế triển khai một số dự án chuyển giao khoa học công nghệ, chương trình hợp tác nghiên cứu mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, ý nghĩa đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Cụ thể, nhà trường đã tham gia vào các Dự án “Liên kết phát triển chuỗi giá trị nhằm cải thiện hệ thống sản xuất sắn quy mô nông hộ” do Chính phủ Australia tài trợ; Dự án “Lâm nghiệp cải thiện đời sống người dân vùng Tây Nguyên” do ADB tài trợ; hợp tác nghiên cứu và đào tạo sau đại học về Địa y với Trường Đại học Quốc gia Suchon (Hàn Quốc)… Đặc biệt, nhà trường đã hợp tác với Công ty OLECO (Bộ NN-PTNT) đưa hàng chục sinh viên đi thực hành nông nghiệp tại Israel, trong đó nhiều em đã phát huy tốt kiến thức đã học sau khi ra trường.

Lan Anh – Hồng Thủy

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.