Multimedia Đọc Báo in

Giáo viên tiểu học chọn sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 như thế nào?

09:12, 22/03/2020

Bộ GD-ĐT quy định người chọn sách giáo khoa (SGK) phổ thông năm học 2020 – 2021 là Hội đồng nhà trường (cơ sở giáo dục), trong đó đa số là giáo viên trực tiếp dạy học. Vai trò của người chọn SGK mới là rất quan trọng. Vậy giáo viên phải làm gì để hoàn thành tốt nhiệm vụ chọn sách của mình?

Muốn nghiên cứu sách Tiếng Việt 1 mới, cần nắm lại lịch sử dạy học vần Tiếng Việt.

Từ trước Cách mạng Tháng Tám, chúng ta dạy học vần theo sách “Truyền bá Quốc ngữ” của Hoàng Xuân Hãn. Sách này đầu tiên dạy chữ i, chữ t rồi ghép thành chữ “ti”, đánh vần là tờ - i - ti. Cách đánh vần là đánh vần theo các âm (các chữ) từ trái qua phải, dấu thanh đánh cuối cùng (Ví dụ: Đánh vần chữ  “toán” là: tờ - o - to - o - a - nờ - oan - là toan - sắc toán).  Phương pháp dạy học vần là dạy học sinh ghép âm thành tiếng. Phương pháp này dễ viết, đánh vần đến đâu viết đến đó (ghép âm từ trái qua phải, trùng với viết chữ cái từ trái qua phải). Phương pháp dạy học này, sách giáo khoa này sau đó được chỉnh sửa nhiều lần nhưng cơ bản vẫn là “Sách Quốc ngữ” và phương pháp “i tờ” duy trì cho đến hết thập niên 70 thế kỷ trước.

Năm 1981, Nhà nước cải cách giáo dục, cải cách toàn diện chương trình, sách giáo khoa, nội dung và phương pháp dạy học. Chương trình cải cách giáo dục áp dụng phương pháp dạy học “Tổng – phân – hợp” vào dạy tiếng. Dạy “học vần”, người ta đưa ra đơn vị câu (tổng), phân tích câu ra từ, phân tích từ ra tiếng, tiếng ra vần (phân) để học cái vần đó; sau đó, ghép âm thành vần, ghép vần thành tiếng, ghép tiếng thành từ, ghép từ thành câu (hợp). Dạy âm cũng vậy, chẳng hạn dạy âm “cờ”: Đưa ra từ “kéo co”, rút ra tiếng “co”, rút ra âm “cờ” để học âm, sau đó cho học sinh nhận diện âm “cờ” nằm trong tiếng (co, cái ca). Phương pháp này hiện đại hơn nhằm rèn luyện tư duy phân tích tổng hợp – một tư duy cần thiết trong nhận thức của con người.

        Giờ học  tập đọc của học sinh  lớp 1 Trường Tiểu học  Ea Bar,  xã Cư Pui  (huyện Krông Bông).  Ảnh: T.Lâm
Giờ học tập đọc của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Ea Bar, xã Cư Pui (huyện Krông Bông). Ảnh: T.Lâm

Chương trình Tiểu học năm 2000 dạy chữ “e” đầu tiên, tiếp theo dạy chữ “b”, ghép thành tiếng “be”; tiếp theo dạy thanh sắc, ghép thành tiếng “bé” (từ bé). Về cơ bản, Chương trình năm 2000 vẫn sử dụng phương pháp phân tích tổng hợp để dạy học vần – vẫn tách tiếng ra 3 bộ phận là âm đầu, vần và thanh; sau đó ghép lại nhằm vừa dạy tiếng vừa rèn tư duy phân tích tổng hợp.

Điểm qua 3 cuốn SGK (3 nội dung, 3 phương pháp dạy học) trên để làm một cơ sở tiếp cận SGK mới.

SGK mới được biên soạn và được thẩm định một cách khoa học, được Nhà nước công nhận chuẩn mực; nay đưa ra cho thầy cô lựa chọn. Chúng ta nên xác định là: ta đang chọn cái đúng nhất trong các cái đúng, cái hay nhất trong những cái hay, chọn quyển SGK phù hợp nhất trong bốn bản sách quy chuẩn. Vậy tiêu chí nào để chọn sách phù hợp?

Người soạn sách dựa vào mục tiêu của chương trình để soạn sách. Người lựa chọn sách phải quán triệt “Tiêu chí lựa chọn SGK phải phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông” (Công văn hướng dẫn...).  Về điều kiện dạy học, nhà trường cần đúc kết; về đặc điểm của địa phương cần tham khảo hướng dẫn của Sở. Nội dung “phù hợp với địa phương” thể hiện ở ngữ liệu của SGK (Còn kiến thức cơ bản của các sách đều giống nhau, đều phù hợp với mục tiêu dạy học). Là người trực tiếp dạy học, thầy cô cần quan tâm đến SGK nào cho học sinh dễ học.

Nhìn lại các bài “học vần” đầu tiên của ba quyển sách đã điểm qua ở trên, ta có thể rút được kinh nghiệm. Chữ “i”, chữ “t” khó viết hơn chữ “c”, “o” và chữ “e”, “b”. Tiếng “ti” và tiếng “be” không rõ nghĩa bằng tiếng “co” (rút trong từ khóa “kéo co”). Đến bài thứ ba: các tiếng (từ) ti, tí, tì...to, tó tò... không rõ nghĩa bằng các tiếng (từ): có cà, có cá, cái ca; hoặc tiếng (từ) bé, xe, ve... Xem kỹ hơn, ta thấy rằng sách “Truyền bá Quốc ngữ” khi dạy chữ i, chữ tờ có kèm câu văn vần: “i tờ có móc cả hai/ i ngắn có chấm tờ dài có ngang” để học sinh nhớ mặt chữ (nhưng vẫn khó viết hơn chữ c). Qua ví dụ trên, người viết bài này nhận thấy cuốn sách thứ ba dạy chữ “e”, “b”, dấu sắc là dễ học hơn.

Ví dụ này chỉ để minh họa. Muốn tìm hiểu sách dễ học cho học sinh phải khảo sát cả cuốn sách; tập trung vào các loại bài: loại bài dạy âm, loại bài dạy vần, loại bài nguyên âm, phụ âm, nguyên âm đôi... Muốn chọn được sách tốt còn phải xem kênh hình, kênh chữ, câu ứng dụng, bài khóa...

Khi học sinh dễ học thì thầy cô dễ dạy – hiệu quả giáo dục sẽ cao.

Có thể đối chiếu với các sách mà ta đã biết, đã sử dụng như sách Song ngữ Êđê – Việt, sách Công nghệ Giáo dục... Giáo viên bậc tiểu học được chọn nhiều cuốn sách của nhiều môn, ta có thể đối chiếu sách Tiếng Việt với sách các môn học khác (về dung lượng bài học, về số lượng bài tập, về kênh hình ảnh...)

Thạc sĩ Lê Bê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.