Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện chuyển đổi số trong Giáo dục - Đào tạo

10:22, 04/04/2020

Với phương châm “tạm dừng đến trường, nhưng không dừng việc học”, ngành Giáo dục tỉnh phối hợp với một số đơn vị thực hiện các bài giảng trên truyền hình và Internet để giúp các em học sinh học tập tại nhà trong thời gian được nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19.

Sau đây là trao đổi giữa phóng viên Báo Đắk Lắk với Phó Giám đốc Sở GD-ĐT ĐỖ TƯỜNG HIỆP chung quanh nội dung này.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành GD-ĐT tỉnh đã triển khai những biện pháp gì để đảm bảo kiến thức cho học sinh trong thời gian nghỉ học kéo dài, thưa ông?

Để đảm bảo kiến thức cho học sinh, ngành GD-ĐT Đắk Lắk đã và đang triển khai tinh giản nội dung, xây dựng kế hoạch dạy học và tăng cường dạy học qua Internet, trên truyền hình trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Sở GD-ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa để tinh giản theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông; đồng thời chủ động lựa chọn các chủ đề, sắp xếp lại thành một số bài học tích hợp của từng môn học, hoặc liên môn; tiếp tục xây dựng nguồn học liệu với hệ thống bài học, bài tập có tính tích hợp, vừa sức, phù hợp việc học sinh tự học.

Mặt khác, tùy vào điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện của nhà trường, gia đình và học sinh, các trường lựa chọn phương án tăng cường dạy học qua Internet, trên truyền hình và các hình thức dạy học khác. Cụ thể, Sở đã phối hợp với các đơn vị: VNPT Đắk Lắk, Viettel Đắk Lắk tổ chức dạy học qua Internet; phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức chương trình dạy học trên truyền hình các môn học dành cho học sinh phổ thông. Giai đoạn 1: tổ chức phát sóng các tiết dạy ôn tập, hệ thống hóa kiến thức 3 môn: Toán, Ngữ Văn, tiếng Anh lớp 12; giai đoạn 2 sẽ phối hợp tổ chức dạy học các môn học thi tốt nghiệp THPT quốc gia lớp 12 và một số môn học ở các khối lớp khác. Kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học qua Internet, trên truyền hình sẽ được sử dụng thay cho các bài kiểm tra thường xuyên theo quy định của Bộ GD-ĐT…

Việc học qua Internet và trên truyền hình rất khác với phương pháp dạy học truyền thống, vậy làm thế nào để tất cả học sinh có thể tiếp cận, nắm rõ kiến thức qua hình thức học mới?

Dạy học qua Internet và trên truyền hình là hai hình thức dạy học để hỗ trợ cho hình thức học chính khóa (trên lớp học), trong đó dạy học qua Internet là hình thức lâu dài và không chỉ trong đợt dịch bệnh Covid-19 này mà sau đó cũng cần được tăng cường – như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói là “cần phải biến nguy cơ thành thời cơ”, tích cực triển khai, thực hiện chuyển đổi số trong GD-ĐT.

Trường Tiểu học, THCS, THPT Vitory dạy học online cho học sinh trong mùa dịch. Hình: Đức Hoàn
Trường Tiểu học, THCS, THPT Victory tổ chức dạy học online trong mùa dịch. Ảnh: Đức Hoàn

Để triển khai hoạt động dạy học qua Internet và trên truyền hình đạt hiệu quả cao, Sở GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo các trường, giáo viên bộ môn có trách nhiệm đảm bảo tất cả học sinh trong lớp học, trường học đều được tiếp cận. Giáo viên giao nhiệm vụ học tập theo nội dung bài học và hướng dẫn học sinh thực hiện các buổi học qua Internet, trên truyền hình, giao bài tập về nhà, phối hợp với gia đình học sinh có biện pháp quản lý quá trình học tập của con em mình và giám sát, kiểm tra, đánh giá việc học của các em. Đặc biệt, đối với học sinh dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường và giáo viên cần quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để các em tiếp cận được với bài học, “không để học sinh nào ở lại phía sau”…

Kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học qua Internet, trên truyền hình cũng được công nhận chính thức. Ông có thể cho biết rõ hơn về điều này?

Theo Công văn số 1061/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD-ĐT ngày 25-3-2020, kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học qua Internet, trên truyền hình được sử dụng thay cho các bài kiểm tra thường xuyên (kiểm tra miệng và 15 phút) theo quy định của Bộ GD-ĐT về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học, THCS, THPT. Các cơ sở giáo dục phổ thông quản lý, theo dõi, giám sát việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên kết quả học tập của học sinh qua Internet, trên truyền hình bảo đảm công bằng, khách quan, trung thực.

Còn đối với kiểm tra định kỳ (kiểm tra 1 tiết) và kiểm tra học kỳ, khi học sinh đi học trở lại, cơ sở giáo dục phổ thông sẽ tổ chức cho học sinh ôn tập, củng cố kiến thức đã học qua Internet, trên truyền hình; thực hiện việc kiểm tra định kỳ và kiểm tra học kỳ theo quy định của Bộ GD-ĐT; đối chiếu so sánh kết quả kiểm tra định kỳ, kiểm tra học kỳ và kiểm tra thường xuyên để có giải pháp phù hợp, giúp học sinh củng cố, bổ sung kiến thức.

Xin cảm ơn ông!

Lan Anh (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.