Multimedia Đọc Báo in

Để làm tốt bài thi môn Giáo dục công dân

10:17, 12/07/2020

Trong tổ hợp các môn Khoa học xã hội trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Giáo dục công dân được đánh giá là môn thi “dễ ăn điểm” nhất đối với người học.

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, vẫn có đến hơn 19.500 thí sinh có điểm thi môn Giáo dục công dân dưới trung bình. Hiện nay, Giáo dục công dân cũng là môn thi được chọn trong tổ hợp xét tuyển vào một số ngành của các trường đại học.

Học sinh lớp 12 của tỉnh Đắk Lắk tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2020 tổ chức tại Trường Đại học Buôn Ma Thuột.
Học sinh lớp 12 của tỉnh Đắk Lắk tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2020.

 Để đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, các thí sinh cần lưu ý một số điểm sau:

Nắm vững cấu trúc của đề thi tham khảo

Qua đề thi các năm và thi tham khảo năm 2020 của Bộ GD-ĐT công bố, các câu hỏi trong đề thi môn Giáo dục công dân được đánh giá là gần gũi với cuộc sống, có tính liên hệ thực tế cao, không đòi hỏi thí sinh phải học thuộc hay ghi nhớ máy móc về kiến thức. Theo đề thi tham khảo năm nay, nội dung thi phần lớn thuộc kiến thức lớp 12 (chiếm 90%), kiến thức lớp 11 chỉ chiếm 10%. Nội dung kiến thức lớp 11 tập trung vào 5 bài đầu của chương trình, nội dung kiến thức lớp 12 có số lượng câu hỏi tập trung vào chương trình học kỳ I là chủ yếu (chiếm 27/40 câu câu hỏi trong đề thi). Đặc biệt, đề thi có cập nhật, lồng ghép các vấn đề xã hội nổi bật hiện nay như: Công tác phòng, chống dịch Covid-19, các tệ nạn xã hội, bạo lực…

Nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa và liên hệ thực tế

Đối với môn học này, thí sinh cần nắm vững kiến thức ở từng bài học. Trên lớp, các em cần ghi chép đầy đủ và cẩn thận những nội dung giáo viên nhấn mạnh, lưu ý. Đối với các câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, thí sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản. Đối với các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các em cần xử lý thông tin dữ liệu từ tình huống của câu hỏi, xác định nội dung muốn hỏi ở cuối tình huống để tìm dữ liệu đúng yêu cầu của đề. Để đạt điểm cao, ngoài việc nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa, thí sinh cần tích cực cập nhật thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng, xây dựng thói quen đọc sách báo, xem thời sự trên đài truyền hình…

Xác định “từ khóa” trong câu hỏi

Sau khi đọc câu hỏi xong, thí sinh cần phải xác định “từ khóa” là từ nào và nằm ở đâu? Điều này sẽ giúp các em định hướng được câu hỏi liên quan đến vấn đề gì và có thể suy ra đáp án chính xác gắn liền với “từ khóa” đó. Chẳng hạn, với các câu hỏi vận dụng cao, mỗi tình huống thường có nhiều nhân vật nên các em sẽ rất dễ “rối”. Vì thế, các em phải đọc kỹ nội dung câu hỏi rồi quay trở lại đối chiếu với tình huống để phân tích. Hoặc, các em cần xác định hành vi của các nhân vật trong tình huống đó, khoanh tròn tên các nhân vật theo yêu cầu câu hỏi (vi phạm, không vi phạm) sau đó đối chiếu với đáp án để tìm ra câu trả lời đúng nhất.

Phân bố thời gian hợp lý

Trong quá trình làm bài thi môn Giáo dục công dân, thí sinh cần đọc qua một lượt tất cả các câu hỏi trong đề thi. Đối với những câu dễ và chắc chắn rồi thì nên làm trước, đối với các câu hỏi khó hoặc đang phân vân giữa các phương án thì nên làm sau. Trong quá trình làm bài, các em cần chú ý phân bố thời gian sao cho hợp lý để làm hết bài thi và đạt hiệu quả, tránh việc mải mê làm bài mà quên việc tô các phương án đã chọn vào phiếu trả lời trắc nghiệm hoặc bỏ quên, tô thiếu đáp án ứng với các câu hỏi trong đề thi.

Cao Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.