Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số

11:25, 03/07/2020

Huyện Cư M’gar có 25 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tỷ lệ khoảng 47%. Hiện nay, quy mô trường, lớp trên địa bàn huyện đã cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập, mạng lưới trường lớp đã đến tận các thôn, buôn.

Toàn huyện có 22 trường mầm non và 57 trường tiểu học, THCS với hơn 38.300 học sinh, trong đó gần 20.000 học sinh là người DTTS. Trên địa bàn huyện có 1 trường phổ thông dân tộc nội trú và 1 trường tổ chức mô hình bán trú dân nuôi đã đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh DTTS vùng khó khăn trên địa bàn…

Cùng với việc phát triển mạng lưới trường lớp học, huyện Cư M’gar còn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, đổi mới phương pháp giảng dạy, thực hiện các chính sách ưu đãi giáo dục như: miễn, giảm học phí; hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh; thực hiện chế độ ưu đãi cho cán bộ, giáo viên đang công tác tại các vùng khó khăn, có đông đồng bào DTTS sinh sống... Các biện pháp này đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS, động viên học sinh đến lớp đều đặn hơn, các trường duy trì sĩ số ổn định hơn…

Một giờ học của cô trò Trường THCS Cao Bá Quát.
Một giờ học của cô trò Trường THCS Cao Bá Quát.

Ðiều đó thể hiện qua việc huy động học sinh ra lớp đầu năm học 2019 – 2020, tỷ lệ học sinh DTTS 5 tuổi đi học mẫu giáo duy trì ở mức 99,8% và học sinh 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,9%... Chất lượng giáo dục ở các cấp học được nâng lên rõ rệt so với những năm trước đây, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học và tiếp tục học THCS đạt 98,2%, tốt nghiệp THCS đi học nghề, kết hợp với học THPT hệ giáo dục thường xuyên đạt 27,3%; tỷ lệ học sinh DTTS cấp THCS có hạnh kiểm khá trở lên duy trì ở mức 97,8% và có học lực trung bình trở lên đạt 95,6%. Đặc biệt, những năm gần đây có nhiều em học sinh DTTS tham gia và đạt nhiều giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia...

 

“Hiện nay, chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn trong học sinh DTTS trên địa bàn huyện đã được nâng lên rất nhiều, tỷ lệ học sinh khá, giỏi ngày càng tăng và chiếm tỷ lệ cao trong tỷ lệ chung của huyện. Đặc biệt, nếu như trước đây học sinh DTTS đạt học sinh giỏi các cấp rất hiếm thì nay đã tăng nhiều, năm sau thường cao hơn năm trước, không chỉ các giải ở cấp tỉnh mà còn đạt các giải cấp quốc gia”.

 

Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Cư M’gar Lê Hữu Quynh

Những chuyển biến tích cực trong công tác giáo dục trong vùng đồng bào DTTS đã góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương. Tính đến nay, huyện Cư M’gar đã đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, tiểu học – xóa mù chữ và phổ cập THCS, 15/15 xã đạt chuẩn tiêu chí số 14 về giáo dục…

Một trong những điểm sáng giáo dục vùng DTTS của huyện Cư M’gar là Trường THCS Cao Bá Quát (xã Cư M’gar). Trường nằm ở địa bàn có trên 76% đồng bào DTTS sinh sống, nhiều học sinh DTTS lực học yếu, thiếu sách vở, đồ dùng học tập, gia đình lại chưa thực sự quan tâm đến việc học của các em… Trước những khó khăn ấy, nhà trường đã khuyến khích và tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp, kỹ năng dạy học sao cho học sinh dễ hiểu, dễ nhớ; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Đồng thời, chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, tính đến nay 100% giáo viên đều đạt chuẩn, trong đó có 60% giáo viên trên chuẩn… Với nỗ lực của lãnh đạo nhà trường, thầy cô giáo cùng các em học sinh nên chất lượng giáo dục của trường đã có sự bứt phá mạnh mẽ, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng, tỷ lệ học sinh yếu, kém ngày càng giảm. Kết thúc học kỳ I năm học 2019 - 2020, trường có 49,1% học sinh được xếp loại khá, giỏi, trong đó có hơn 43% là học sinh DTTS... Nếu như các năm từ 2009 - 2019, số học sinh DTTS đạt học lực khá, giỏi của trường chỉ chiếm trung bình 16,5% thì nay đã tăng lên gần gấp 3 lần, đặc biệt có nhiều học sinh tham gia và đoạt giải cao trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh và quốc gia.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.