Multimedia Đọc Báo in

Cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ

17:34, 12/12/2020

Với tấm lòng yêu nghề, mến trẻ và luôn tìm tòi, sáng tạo trong công việc, nhiều năm liền, cô Nông Thị Hương, giáo viên Trường Mầm non Thanh Bình (thôn Thanh Bình, Ea Sar, huyện Ea Kar) đều được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp huyện.

Đầu năm 2017, khi Trường Mầm non Thanh Bình được thành lập, cô Hương được điều động đến nhận nhiệm vụ tại đây. Trường cách nhà hơn 12 km, hai con còn nhỏ, chồng lại đi làm ăn xa. Song với lòng yêu nghề, mến trẻ cô Hương đã khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Cô Hương hướng dẫn học sinh làm quen với chữ cái Tiếng Việt bằng những đồ dùng học tập tự làm.
Cô Hương hướng dẫn học sinh làm quen với chữ cái Tiếng Việt bằng những đồ dùng học tập tự làm.
 
Nhìn thấy trẻ mỗi ngày một ngoan hơn, thích đi học, phát triển đều đặn thể chất, biết vui chơi nhảy múa, tự tin giao tiếp bằng tiếng Việt... chính là niềm vui và động lực để tôi gắn bó với nghề”.
 
Cô Nông Thị Hương

Các học sinh ở đây chủ yếu là người dân tộc thiểu số phía Bắc di cư, hoàn cảnh khó khăn, phần lớn bố mẹ đều đi làm công nhân ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương..., các em ở với ông bà, người thân. Trước khi vào năm học mới, cô Hương cùng các giáo viên trong trường đều phải xuống các thôn, buôn vận động học sinh ra lớp đúng độ tuổi. Bên cạnh đó, cô thường xuyên gặp gỡ phụ huynh để nắm bắt thông tin về sở thích, tính cách, tình trạng sức khỏe, khả năng tiếp thu của từng em để có phương pháp giảng dạy phù hợp. Để khắc phục sự bất đồng về ngôn ngữ và giúp trẻ tiếp thu bài học tốt hơn, cô Hương đã lồng ghép các hoạt động giúp học sinh làm quen với tiếng Việt cả trong giờ học, vui chơi, sinh hoạt lớp. Cô còn sưu tầm tranh ảnh, hình vẽ, tăng cường tập hát múa, xây dựng góc học tập, tận dụng những vật liệu như chai lọ, miếng xốp, bìa các tông... làm các con vật, đồ dùng minh họa, dụng cụ học tập...

Cô Nông Thị Hương hướng dẫn học sinh làm quen với chữ cái.
Cô Nông Thị Hương hướng dẫn học sinh làm quen với chữ cái.

Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, cô Hương còn tổ chức nhiều hoạt động xã hội được nhà trường, phụ huynh đánh giá cao. Là thành viên của Hội Bảo tồn lan rừng Việt Nam, thông qua trang Facebook cá nhân, cô đã vận động bạn bè, mạnh thường quân ủng hộ quần áo, đồ dùng học tập tặng học sinh khó khăn; bán đấu giá hoa lan lấy kinh phí tổ chức các hoạt động như “Áo ấm cho em”, “Ngày Tết quê em”, “Vui hội Trăng rằm”, "Tết Thiếu nhi"... cho học sinh trong trường.

Cô Dương Thị Doanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Bình nhận xét: “Cô Nông Thị Hương là giáo viên trẻ năng động, tận tâm với nghề. Cô luôn nỗ lực khắc phục khó khăn của bản thân để hoàn thành tốt nhiệm vụ, tích cực tham gia hoạt động từ thiện, kêu gọi ủng hộ học sinh nghèo, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm hữu ích, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường”.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.