Multimedia Đọc Báo in

Cô giáo trẻ tha thiết với nghề

08:13, 16/12/2020

Ngay từ khi còn học phổ thông, những hình ảnh đẹp về người thầy với phấn trắng, bảng đen, vượt qua bao đoạn đường nắng bụi, mưa lầy mang con chữ đến với học sinh vùng khó đã in sâu trong tâm trí của cô Nguyễn Thị Hồng, giúp cô nuôi dưỡng ước mơ sau này lớn lên sẽ gắn bó với nghề giáo cao quý ấy...

Năm 2008, ước mơ đó đã trở thành hiện thực. Sau khi tốt nghiệp Khoa Giáo dục Tiểu học (Trường Đại học Tây Nguyên), năm 2012 cô Hồng nhận công tác tại Trường Tiểu học Lê Lợi (huyện Krông Ana), sau đó cô được chuyển về dạy tại Trường Tiểu học Kim Đồng (huyện Krông Bông) và từ năm học 2014 - 2015 đến nay, cô công tác tại Trường Tiểu học Cẩm Phong (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông).

Nhiều năm được phân công dạy ở điểm trường có đông học sinh là người Mông di cư ngoài kế hoạch, việc đi lại khó khăn cùng với bất đồng ngôn ngữ, cô luôn nỗ lực học hỏi, trau dồi kiến thức, tìm cách sáng tạo phương pháp dạy học sao cho tốt nhất, phù hợp nhất với tâm sinh lý của học sinh.

Cô Hồng trong tiết dạy môn tiếng Việt.
Cô Hồng trong tiết dạy môn tiếng Việt.

Không chỉ dạy theo chương trình sách giáo khoa, đối với những môn xã hội, môn tiếng Việt, cô Hồng luôn cố gắng tìm thêm nhiều tài liệu, sưu tầm hình ảnh minh họa để các em dễ hiểu, có thêm hứng thú học tập. Đối với môn Toán, cô luôn chú ý đến năng lực nhận thức của từng cá nhân học sinh, gợi ý để các em tìm tòi, phát hiện, suy luận giải quyết vấn đề… Không chỉ truyền đạt kiến thức, cô còn dạy nhiều điều hay lẽ phải, trang bị kỹ năng sống cho học sinh. Đối với những học sinh cá biệt, một mặt cô liên hệ trực tiếp với phụ huynh để nắm bắt hoàn cảnh gia đình, tính cách của học sinh đó, mặt khác gần gũi khuyên bảo, hướng các em tự nhận lỗi, sửa chữa. Nhờ vậy, có nhiều em từ học sinh cá biệt, thường xuyên nghịch ngợm đã trở nên ngoan ngoãn, biết vâng lời, siêng năng học tập…

Hiện nay, cô Hồng là tổ trưởng chuyên môn khối lớp 4 của Trường Tiểu học Cẩm Phong. Tuy mới về trường hơn 5 năm, nhưng cô đã có 4 năm đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường, năm học 2018 - 2019, cô đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện được xét đặc cách đi thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Hai năm liền (năm học 2017 - 2018 và năm học 2018 - 2019), cô đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Cô Hồng cũng là báo cáo viên của huyện về thay đổi sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Cô Phan Thị Hoa, Phó Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: Cô Nguyễn Thị Hồng là một giáo viên trẻ nhiệt tình, năng nổ. Không chỉ là một trong số những người đi đầu ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học mà cô còn chịu khó nghiên cứu sử dụng nhiều hình ảnh sinh động gắn với thực tiễn để truyền đạt, những lớp cô được phân công giảng dạy đều có học sinh khá, giỏi chiếm tỷ lệ cao.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.