Multimedia Đọc Báo in

Giáo viên nên cẩn trọng hơn khi sử dụng mạng xã hội

05:43, 18/12/2020

Bất kỳ ai cũng cần có ý thức khi sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo. Với những người làm nghề giáo viên, nhìn ở góc độ giáo dục thì càng đòi hỏi các thầy cô cẩn trọng hơn mỗi khi chia sẻ một bức ảnh hay một status (dòng trạng thái) nào đó bởi những chia sẻ đó có thể ảnh hưởng không nhỏ đến học trò của mình và chính bản thân các thầy cô.

Gần đây, câu chuyện một nữ sinh lớp 10 ở An Giang vì uất ức trước hình thức kỷ luật của nhà trường đã cố tình uống thuốc tự tử làm “dậy sóng” dư luận. Học sinh này muốn dùng cái chết của mình để chứng minh rằng em không có lỗi, đồng thời mong các thầy cô sẽ thay đổi cách ứng xử với học sinh sau sự ra đi của em. May mắn em đã không chết nhưng những sang chấn tâm lý mà em phải chịu cũng như tổn thương trong mối quan hệ giữa em, gia đình em với nhà trường sẽ khó mà "lành" được. Hiệu trưởng và một hiệu phó của trường đã bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ việc điều tra. Tuy nhiên, giữa lúc mọi việc đang “nóng”, học sinh còn đang nằm viện, gia đình bức xúc thì một cô giáo của trường này đã đăng lên Facebook cá nhân những lời bóng gió về vụ việc, trao đổi với người khác với thái độ mỉa mai. Hành động của cô như “đổ thêm dầu vào lửa”, càng khiến sự giận dữ của cộng đồng mạng với nhà trường thêm sôi sục.

Minh họa: Đức Văn
Minh họa: Đức Văn

Câu chuyện trên cho thấy một thực trạng đáng suy nghĩ về vấn đề sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook của một số giáo viên hiện nay. Không khó để bắt gặp những hình ảnh ăn nhậu, liên hoan, du lịch, khoe đồ hiệu, điện thoại hay túi xách đắt tiền… của một số thầy cô giáo trên các mạng xã hội. Đây không phải là những hành vi vi phạm pháp luật nhưng dưới góc nhìn của phụ huynh và học sinh lại khá băn khoăn, lấn cấn, có điều gì đó không được đẹp mắt. Không ai cấm thầy cô ăn nhậu nhưng có cần khoe ra cho mọi người, trong đó có học sinh của mình thấy không? Liệu việc này có vô tình cổ súy các em cũng ăn nhậu theo không? Hay một số cô giáo có sở thích “sống ảo”, cứ có món đồ đắt tiền nào đó là lại tung clip khoe trên mạng xã hội, thậm chí đôi lúc trong những trang phục hơi mát mẻ...

Trong thời buổi gần như ai cũng có điện thoại thông minh và tài khoản mạng xã hội, mọi hình ảnh, câu chữ được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, đôi lúc chúng ta không thể lường hết những hậu quả của  thông tin mà chính mình đưa lên ở chế độ công khai. Vì vậy, thiết nghĩ mọi người, nhất là các thầy cô giáo cần cẩn trọng hơn với mọi hành động của mình trên mạng xã hội. Hãy dùng mạng xã hội một cách thông minh chứ đừng để mạng xã hội “chống lại” mình.

Bình An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.