Multimedia Đọc Báo in

Những người "đưa đò" thầm lặng ở Cư San

05:42, 15/02/2021

Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, ở thôn 11 (xã Cư San) cách trung tâm huyện M’Drắk khoảng 40 km, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, giao thông đi lại khó khăn, nhưng với niềm đam mê, yêu nghề…, nhiều giáo viên vẫn tình nguyện gắn bó vì sự nghiệp “trồng người” nơi đây.

Năm nay bước sang tuổi 55, thầy Nguyễn Đình Đăng có gần 4 năm gắn bó với Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân. Vào tháng 10-2017, thầy Đăng nhận nhiệm vụ giảng dạy ở điểm trường này. Nhà thầy cách trường gần 50 km, không quản ngại khó khăn, vất vả, thầy Đăng tình nguyện đem con chữ đến với trẻ em vùng sâu Cư San.

Thầy Nguyễn Đình Đăng hướng dẫn học sinh làm bài tập.
Thầy Nguyễn Đình Đăng hướng dẫn học sinh làm bài tập.
Năm học 2020 - 2021, Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân có 15 lớp học, với 480 học sinh và 22 cán bộ, giáo viên, trong đó có đến 20 người nhà ở cách xa trường phải ở lại nhà tập thể.

Thầy Đăng chia sẻ, đây không phải là ngôi trường vùng sâu đầu tiên trong sự nghiệp giảng dạy của mình. Tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm Đắk Lắk (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk) thầy Đăng nhận công tác ở Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (xã Krông Jing), tiếp đến là Trường Tiểu học Nguyễn Du (xã Cư Prao). Mỗi điểm trường có những khó khăn riêng, song theo thầy Đăng, Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân là cách trở, xa xôi nhất. Đa phần cán bộ, giáo viên của trường đều ở lại nhà tập thể đến cuối tuần mới về với gia đình. Vất vả nhất là vào đầu tháng 12-2020, mưa lớn kéo dài, khiến 3 thôn: 9, 10 và 11 (xã Cư San) bị cô lập hoàn toàn, người dân, giáo viên phải đi đò, vượt qua nhiều cung đường bùn lầy, trơn trượt mới đến được điểm trường, đến với các em học sinh.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Luận (SN 1972), giáo viên chủ nhiệm lớp 5B cũng đã có 2 năm công tác ở Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân. Nhà cô Luận cách trường hơn 40 km, trong 2 năm qua cô không nhớ nổi mình đã bao lần bị trượt té. Những hôm trời mưa, đường trơn như mỡ, cô Luận phải nhờ xe máy cày của người dân để vào trường chứ không thể đi xe máy. Song, điều cô Luận ấn tượng là những buổi họp phụ huynh. “Đa số phụ huynh đều bận việc nương rẫy, nên phải tổ chức họp phụ huynh vào buổi tối. Dẫu việc đồng áng vất vả nhưng phụ huynh đều sắp xếp dự họp đông đủ để nghe cô giáo chủ nhiệm trao đổi về tình hình học tập của con em mình. Đó là sự động viên lớn đối với tôi cũng như các đồng nghiệp khác”, cô Luận xúc động bày tỏ. Với cô Luận, sự nghiệp “trồng người” ở đây còn lắm gian nan, nhưng vào cuối mỗi học kỳ, mỗi năm học, thấy các em học sinh tiến bộ hơn, niềm vui nhân lên, lại thêm động lực, thêm tin yêu gắn bó với đất và người Cư San. Cô Luận hồ hởi khoe: “Trong 2 năm giảng dạy ở đây, lớp do cô chủ nhiệm có 3 em học sinh đạt thành tích giỏi toàn diện được xét tuyển vào học ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS M’Drắk”.

Một tiết học của cô Nguyễn Thị Luận và học sinh Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (xã Cư San, huyện M’Drắk).
Một tiết học của cô Nguyễn Thị Luận và học sinh Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (xã Cư San, huyện M’Drắk).

Là một trong những giáo viên trẻ của trường, năm 2014 tốt nghiệp ngành Sư phạm Tiểu học, Trường Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk, cô Lưu Thị Phương (xã Ea Hm’lay) tình nguyện nộp hồ sơ vào giảng dạy tại Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân. Sau hơn 6 năm gắn bó, cũng đôi lần nản chí, song tình yêu nghề, mến trẻ đã “níu chân” cô dù không hề dễ dàng tí nào. Năm 2019, cô Phương lập gia đình, chồng là bộ đội, công tác ở tỉnh Đắk Nông, cả tháng, thậm chí có khi 2 tháng mới về thăm gia đình. Cô Phương trò chuyện: “Ở xã Cư San, điều kiện kinh tế khó khăn, hầu như phụ huynh cả ngày lo chuyện nương rẫy, việc học của con em trông nhờ cả vào giáo viên, nên trọng trách của thầy cô giáo càng lớn hơn, chính điều này thôi thúc tôi tận tâm, tận tụy với nghề, với học trò ở xã vùng sâu, vùng xa này”.

Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân giải tỏa để phục vụ Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng. Học sinh nhà trường sẽ theo gia đình đến khu tái định cư số 1 thuộc xã Cư Elang (huyện Ea Kar) và khu tái định cư số 2 thuộc xã Cư Bông (huyện Ea Kar). Các thầy cô giáo rồi cũng sẽ nhận công tác ở một ngôi trường mới, nhưng hiện tại cán bộ, giáo viên nhà trường vẫn cần mẫn, nhiệt huyết với công tác giảng dạy, đưa con chữ đến với các em học sinh bản Mông xa xôi, cách trở.

Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.