Multimedia Đọc Báo in

Chương trình 30a: Thay "áo mới" cho trường học ở huyện Lắk

08:48, 08/04/2021

Nhờ nguồn vốn từ Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, ngày 27-12-2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (sau đây gọi là Chương trình 30a), hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng ở các xã vùng III; thôn, buôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Lắk có nhiều thay đổi, nhất là nhiều trường lớp học được xây dựng mới, khang trang.

Năm 2020, huyện Lắk được đầu tư trên 48 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 30a để xây dựng 52 công trình, trong đó có 3 công trình giáo dục, với tổng kinh phí gần 12 tỷ đồng.

Dãy phòng học mới tại Trường THCS Võ Thị Sáu (xã Đắk Liêng).
Dãy phòng học mới tại Trường THCS Võ Thị Sáu (xã Đắk Liêng).

Trường THCS Võ Thị Sáu (xã Đắk Liêng) có 13 phòng học, trong đó 6 phòng học tạm xây dựng từ năm 1997 đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2020, từ nguồn vốn của Chương trình 30a, nhà trường được đầu tư xây dựng 6 phòng học mới, tổng diện tích hơn 300 m2. Công trình được khởi công vào tháng 7-2020 với tổng kinh phí trên 3,2 tỷ đồng, do Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Lắk làm chủ đầu tư. Sau hơn 6 tháng thi công, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đúng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Cô Trần Thị Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hơn 20 năm nay, giáo viên và học sinh nhà trường đều thấp thỏm lo âu vì dãy nhà 6 phòng học tạm xây dựng từ lâu, mùa mưa ẩm ướt, mùa khô thì nóng nực. Giờ có phòng học mới, khang trang, học sinh và thầy cô giáo yên tâm giảng dạy, học tập.

Năm học 2020 - 2021, huyện Lắk có 44 trường học trực thuộc và 1 nhóm trẻ, với 16.000 học sinh, 534 lớp. Về cơ sở vật chất trường học có 696 phòng học; trong đó 366 phòng học kiên cố, 318 phòng bán kiên cố và 12 phòng phòng mượn, tạm.

Tương tự, Trường Mầm non Hoa Hồng cũng ở xã Đắk Liêng được khởi công xây dựng từ tháng 8-2020, quy mô 2 tầng, gồm 8 phòng học, kinh phí đầu tư trên 8,1 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 30a. Cô Đỗ Thị Duyên, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trường thành lập năm 2008, hiện tại chỉ có 4 phòng học, mỗi phòng khoảng 35 cháu, do đó Ban giám hiệu nhà trường phải mượn một số điểm trường trên địa bàn như: Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh, Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ và nhà cộng đồng buôn Yuk để bố trí dạy. Thực tế, số trẻ trong độ tuổi từ 3 - 5 tuổi của xã có nhu cầu học tập tại trường rất lớn, trung bình mỗi năm học có khoảng 400 - 500 cháu đăng ký học. Điều này gây áp lực lớn cho nhà trường vào mỗi mùa tuyển sinh. Cô Duyên trao đổi, việc mượn phòng học cũng là bất đắc dĩ, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giáo dục của nhà trường. Chẳng hạn như tại nhà cộng đồng buôn Yuk, vào những dịp họp buôn hoặc tổ chức sự kiện gì đó thì nhà trường buộc phải cho các em nghỉ học. Ngoài những em học ở các điểm mượn cơ sở thì một số em phụ huynh phải xin học ở trường tư hoặc học trái tuyến ở các trường khu vực lân cận. Hy vọng, sau khi 8 phòng học mới kiên cố hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ giúp nhà trường giải quyết bài toán khó mỗi mùa tuyển sinh và các cháu được học tập trong điều kiện tốt hơn.

Đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trường Mầm non Hoa Hồng (xã Đắk Liêng).
Đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trường Mầm non Hoa Hồng (xã Đắk Liêng).

Cùng với hai trường trên, Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh ở xã Buôn Tría cũng được bố trí 500 triệu đồng từ nguồn vốn của Chương trình 30a để xây bờ rào, làm mới sân, đã được bàn giao đưa vào sử dụng vào cuối năm 2020, kịp thời về tiến độ để Trường tổ chức đón nhận trường chuẩn quốc gia mức độ 1.

Ông Nguyễn Anh Tú, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lắk – đại diện chủ đầu tư cho biết, tranh thủ thời tiết thuận lợi, hiện nay đơn vị đang huy động máy móc, nhân lực, phấn đấu hoàn thành công trình Trường Mầm non Hoa Hồng vào cuối tháng 5-2021. Các công trình trường học được xây dựng theo Chương trình 30a đã góp phần giải quyết thực trạng sử dụng phòng mượn, tiến tới bỏ phòng học bán kiên cố, phòng học tạm trên địa bàn huyện.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.