Nan giải bài toán thiếu giáo viên tại TP. Buôn Ma Thuột
Những năm gần đây, tình trạng thiếu giáo viên diễn ra ở nhiều trường học trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Đây là bài toán nan giải đối với ngành giáo dục nói riêng, chính quyền địa phương nói chung.
Năm học 2020 – 2021, TP. Buôn Ma Thuột có 142 trường học các cấp, trong đó có 97 trường công lập và 45 trường tư thục. Thực hiện quy định về tinh giản biên chế, trong 4 năm vừa qua (2017 - 2021), thành phố đã giảm 360 giáo viên, giảm khoảng 200 lớp học. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bậc THCS phải bố trí 1,9 giáo viên/lớp, nhưng hiện nay trên địa bàn thành phố mới đáp ứng được 1,75 giáo viên/lớp, đến thời điểm này vẫn còn thiếu giáo viên.
Theo lộ trình chương trình phổ thông mới, năm học 2021 – 2022 sẽ tiếp tục thiếu giáo viên nếu không bổ sung thêm. Còn đối với bậc tiểu học hiện nay bố trí được 1,35 giáo viên/lớp, riêng đối với khối lớp 1 thực hiện chương trình phổ thông mới thì thiếu rất nhiều giáo viên. Dự kiến năm học 2021 – 2022 thành phố sẽ tăng thêm từ 22 – 25 lớp, với định mức bố trí giáo viên như hiện nay thì cực kỳ thiếu nhân lực.
Thầy Trương Văn Chiến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) trong một giờ đứng lớp. |
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Buôn Ma Thuột thông tin, tỷ lệ tuyển sinh đầu các năm học của thành phố luôn tăng dao động từ 8 - 15%, dẫn tới áp lực lớn đối với ngành trong việc bố trí giáo viên giảng dạy.
|
Trước thực trạng này, nhiều trường học, đặc biệt ở bậc tiểu học, các thành viên ban giám hiệu nhà trường đều phải thực hiện việc đứng lớp giảng dạy để không bị trống tiết, ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh. Một số trường học phải ký hợp đồng ngắn hạn với giáo viên thỉnh giảng để đáp ứng tối thiểu 1 giáo viên/lớp học.
Chẳng hạn tại Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột), năm học 2020 – 2021 có 568 học sinh, tương đương 18 lớp học. Trường có 23 giáo viên, gồm 5 giáo viên phụ trách bộ môn, 18 giáo viên tiểu học. Để giải quyết tạm thời tình trạng thiếu giáo viên, trường phải ký hợp đồng với 3 giáo viên thỉnh giảng. Tuy nhiên, thời hạn hợp đồng với các trường hợp thỉnh giảng là 1 năm. Như vậy, kết thúc năm học này, các giáo viên hợp đồng sẽ dừng công tác giảng dạy tại trường. Dự kiến năm học tới, Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân có khoảng 630 học sinh, tương đương với 20 lớp học, với số lớp này trường cần thêm 6 giáo viên nữa mới đáp ứng công tác giảng dạy.
Trước thực trạng này, Ban giám hiệu nhà trường phải sắp xếp công việc để giảng dạy đối với những tiết học thiếu giáo viên. Thầy Trương Văn Chiến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân cho hay, hiện tại trường mới chỉ đáp ứng được 1 giáo viên/lớp, trong khi quy định đối với khối lớp 1 theo chương trình học mới là 1,5 giáo viên/lớp. Do đó, vào thời gian các giáo viên tiểu học đi tập huấn, học tập thì hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường phải đảm nhận việc giảng dạy. Trường mong muốn thời gian tới, các cấp, ngành liên quan xem xét, bố trí giáo viên để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác giảng dạy, học tập tại trường.
Giờ học thể dục của học sinh Trường THCS Hòa Phú (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột). |
Tương tự, tại Trường THCS Hòa Phú (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) có 968 học sinh, tương đương 24 lớp học trong năm học 2020 – 2021. Toàn trường có 41 giáo viên, tương đương tỷ lệ 1,7 giáo viên/ lớp. Trong khi theo quy định tại Thông tư số 16/TT-BGDĐT, ngày 12-7-2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, định mức số lượng người làm việc tại trường THCS được bố trí tối đa 1,9 giáo viên/lớp. Hiện trường còn thiếu 5 giáo viên ở một số bộ môn, do vậy giáo viên giảng dạy ở các môn học đều phải tăng tiết trong các tuần. Cô Bùi Thị Diệu, giáo viên môn Ngữ văn chia sẻ, thông thường mỗi giáo viên sẽ đứng lớp khoảng 19 tiết/tuần. Tuy nhiên, do thiếu người nên một số bộ môn, giáo viên phải dạy tăng tiết dẫn đến bị áp lực trong công việc, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng dạy và học.
Ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột cho biết, hiện nay trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, dù giáo dục ngoài công lập khá phát triển nhưng chưa thể thay thế giáo dục công lập. Dự kiến năm học tới, sĩ số ở từng lớp trên mức tối đa, không còn chỗ ngồi. Một số lớp ở cấp tiểu học khoảng 45 em, bậc mầm non có lớp lên tới 50 cháu nên không đảm bảo điều kiện về số học sinh/lớp học. Giáo viên giảm, học sinh đầu mỗi năm học tăng, buộc ngành giáo dục của địa phương phải tiếp tục cắt giảm lớp trong năm học tới dẫn đến khó khăn cho học sinh và cả phụ huynh trong việc chọn trường. Do đó, thành phố mong muốn tỉnh quan tâm, xem xét về biên chế cho ngành giáo dục để đáp ứng tốt công tác dạy và học.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc