Multimedia Đọc Báo in

Những cô nuôi dạy trẻ ở Công ty Cà phê 15

08:29, 09/04/2021

Cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản, chính quy, có chuyên môn, trình độ, luôn tận tâm, yêu nghề, mến trẻ, hết lòng vì sự nghiệp trồng người, những năm qua, Trường Mầm non 18/4 (Công ty TNHH MTV Cà phê 15, Quân khu 5) là địa chỉ tin cậy để các bậc phụ huynh trên địa bàn yên tâm gửi gắm con em.

Từ khi đại dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát, hằng ngày ngoài công việc chuyên môn, các giáo viên Trường Mầm non 18/4 còn tích cực đi sớm, về khuya tham gia tổng dọn vệ sinh, tiêu độc khử trùng, lau chùi bàn ghế, đồ dùng, đồ chơi, khuôn viên, phòng học, nhà ăn, nhà bếp… để bảo vệ an toàn cho trẻ. Mỗi sáng đến lớp, các cháu đều được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn. Giai đoạn cao điểm thu hoạch cà phê, phụ huynh bận công việc, con cái gần như "khoán" cả cho nhà trường nên suốt hai tháng liên tục, các cô giáo hầu như không được hưởng niềm vui quây quần bên mâm cơm gia đình trong những ngày nghỉ cuối tuần.

Cô Lê Thị Thúy Nhung, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường Mầm non 18/4 hiện có 130 cháu trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo đang theo học tại 5 điểm trường, nằm rải rác ở các đội sản xuất trên địa bàn xã Cư Dliê M'nông, huyện Cư M'gar. Các cháu đều là con em của cán bộ, công nhân viên, người lao động trong công ty và bà con sinh sống trên địa bàn. Trẻ học bán trú được các cô chăm sóc, kèm cặp từ bữa ăn, giấc ngủ đến chuyện học hành, sinh hoạt cá nhân”.

Với các cháu nhỏ dưới một tuổi, các cô phải quan tâm chăm sóc rất đặc biệt.
Với các cháu nhỏ dưới một tuổi, các cô phải quan tâm chăm sóc rất đặc biệt.

Do tính chất công việc đặc thù, nhất là khi mùa vụ, nhiều gia đình ở đây phải mang con đi gửi từ khi các cháu mới được 3 - 4 tháng tuổi, khiến công việc của các “bảo mẫu” vốn đã vất vả lại càng vất vả hơn. Song bằng tình cảm, trách nhiệm của mình, các cô giáo luôn chăm sóc trẻ tận tình để cha mẹ yên tâm lao động sản xuất.

Nhìn cô con gái nhỏ H’Đa Ra Niê đang vui vẻ múa hát cùng các bạn, chị H’Dên Niê (trú xã Cư Dliê M'nông) không giấu được niềm vui. Nhớ ngày đầu mang con đi gửi trẻ, chị H’Dên chia sẻ: “Con gái tôi trước kia khá nhút nhát và biếng ăn. Thế mà sau 2 tháng gửi trẻ, cháu đã thay đổi hoàn toàn. Đi học về biết khoanh tay chào ông bà, bố mẹ, cất sách vở, giày dép gọn gàng, ngăn nắp, đến bữa tự ngồi xúc ăn rất ngon lành, nhìn cũng có da có thịt và khỏe mạnh hơn. Nghe con hào hứng kể hôm nay ở lớp được cô dạy hát bài này, tập múa bài kia, được chơi đu quay, cầu trượt, được học màu xanh, màu đỏ, màu vàng, biết đâu là con gà, con lợn… tôi có thể cảm nhận rất rõ niềm vui, hứng khởi của con. Mỗi lần thấy tôi dắt xe ra cổng, cháu lại nhắc “Mẹ nhớ phải đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang đầy đủ vào nhé. Cô giáo con dạy thế”. Trẻ con như tờ giấy trắng, được các cô giáo hết lòng yêu thương, dạy dỗ, gia đình tôi rất phấn khởi, yên tâm”.

Các cô giáo Trường Mầm non 18/4 đang làm đồ chơi cho trẻ từ các vật liệu tái chế.
Các cô giáo Trường Mầm non 18/4 làm đồ chơi cho trẻ từ các vật liệu tái chế.

Nhằm kích thích sự sáng tạo của trẻ, từ những vật dụng quen thuộc như: vỏ lon nước ngọt, hộp sữa, bình đựng nước uống, giấy màu…, những khi rảnh rỗi, các cô lại mày mò cắt dán tạo nên rất nhiều đồ chơi mới an toàn, tiết kiệm, thân thiện, gần gũi với môi trường. Nơi vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, song hằng năm tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, đội ngũ giáo viên của trường vẫn thường xuyên giành được giải cao..

Trọng Khang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Đắk Lắk - Mảnh đất níu chân người
Với những kiến tạo địa chất phức tạp, trải qua hàng triệu năm phong hóa, mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho cao nguyên Đắk Lắk một hệ sinh thái đa dạng, phong phú với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, xinh đẹp, vùng đất trù phú, là quê hương, nơi định cư lâu đời của nhiều dân tộc bản địa và hiện tại cũng là miền “đất hứa” với rất nhiều người…