Multimedia Đọc Báo in

Diễn đàn giáo dục Giáo dục và những chữ "THẬT"

08:13, 30/05/2021

Trong buổi làm việc với Bộ GD-ĐT mới đây về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu lên những điểm mấu chốt làm trụ cho cuộc cách mạng giáo dục, trong đó nhấn mạnh đến yêu cầu hàng đầu là “Học thật, thi thật, nhân tài thật".

Điều mà Thủ tướng lưu ý cũng chính là mối quan tâm lớn nhất hiện nay của xã hội đối với ngành giáo dục, vốn đang mang trong mình những căn trọng bệnh, càng cải cách, đổi mới càng rối. Nguyên nhân cũng chính từ những chữ THẬT mà Thủ tướng đã nhấn mạnh.

Vậy giáo dục cần bao nhiêu chữ THẬT là đủ để làm thay đổi tận gốc rễ những yếu kém, bất cập hiện nay?

Đó là “người THẬT”: Giáo viên thật, nhà quản lý thật, học sinh thật; là “làm THẬT”: Dạy thật, học thật, thi thật; là “sản phẩm THẬT”: Kết quả dạy học thật, nguồn nhân lực được đào tạo thật. Ba chữ THẬT (in hoa) có quan hệ ràng buộc, nhân quả lẫn nhau. Các chữ thật khác, nếu thiếu một chữ cũng khiến cho kết quả giáo dục sai lệch, không thực chất.

 

Các thí sinh trao đổi bài làm sau buổi thi tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.  Ảnh: Lan Anh
Các thí sinh trao đổi bài làm sau buổi thi tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh: Lan Anh

 

Muốn có học thật, thi thật, nhân tài thật thì vấn đề trước hết vẫn là con người: Giáo viên, nhà quản lý và học sinh. Có một thực tế không thể phủ nhận là hiện nay trong đội ngũ nhà giáo, không ít người “chưa thật” về năng lực, trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp; trong đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, không ít người “chưa thật” về năng lực quản lý và nhân cách; trong đội ngũ học sinh, sinh viên, không ít người “chưa thật” vì ngồi nhầm lớp, chọn nhầm nghề đào tạo do nhiều nguyên nhân.

Tìm dẫn chứng để minh họa cho những người “chưa thật” đó không khó. Đỉnh điểm là hàng loạt vụ tiêu cực thi cử bị phanh phui sau kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La…

Con người “chưa thật” tất sẽ dẫn đến những việc làm “chưa thật” trong dạy – học – thi. Đó là những bất cập về chương trình, sách giáo khoa; về hoạt động dạy - học và thi cử ở tất cả các cấp học, kể cả việc cấp các loại chứng chỉ cho giáo viên gây tranh cãi dư luận bấy lâu nay.

Rồi chuyện học sinh “ngồi nhầm lớp”; chuyện thi cử đỗ trăm phần trăm hay điểm thi xét vào đại học cao chót vót xảy ra hàng loạt ở địa phương; chuyện những cơ sở đào tạo được mệnh danh là “lò ấp” tiến sĩ hay những tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc không phải bằng nỗ lực nghiên cứu, học tập của bản thân người học. Với những sản phẩm dạy học như thế, giáo dục thật khó để bứt ra khỏi cái vòng luẩn quẩn THẬT - GIẢ bất phân.

Tại buổi làm việc với Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn có nêu 8 nhiệm vụ trọng tâm trước mắt để làm thay đổi căn bản nền giáo dục nước nhà như: Rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo; chuẩn hóa đội ngũ với chuyên gia đầu ngành, nâng cao chất lượng giáo dục; tăng cường cơ sở vật chất, công tác khảo thí, đánh giá, đẩy mạnh chuyển đổi số, phân cấp quản lý và tự chủ đại học, đào tạo nhân lực chất lượng cao...

Tuy nhiên, để thực hiện 8 nhiệm vụ cấp bách đó, vấn đề đầu tiên vẫn là con người với hai đối tượng chủ yếu: Giáo viên và nhà quản lý giáo dục. Giải pháp hay nhưng người thực hiện (giáo viên, nhà quản lý giáo dục) “chưa thật” thì mọi việc dễ dẫn đến tình trạng “làm thì láo mà báo cáo thì hay”.

Thiết nghĩ, trong nhiều vấn đề liên quan đến “cải cách con người”, trước hết Bộ GD-ĐT hãy rà soát lại các văn bản pháp quy, kiên quyết loại bỏ những quy tắc, định chế trói buộc giáo viên; chế độ lương thưởng phù hợp để người thầy dành trọn tâm huyết với nghề. Đó là cách hiệu quả nhất, nhanh nhất góp phần hiện thực hóa những lời tâm huyết mà Bộ trưởng nhắn nhủ thầy cô ngay sau ngày nhậm chức: “Chỉ có thể bằng sự cố gắng, gương mẫu, bằng trí tuệ và tấm lòng yêu nghề yêu trò, yêu tri thức và lẽ phải, bằng sự tự trọng và tự tôn chúng ta mới dần làm cho nghề giáo tôn nghiêm thêm”.

Nguyễn Duy Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.