Multimedia Đọc Báo in

Gấp rút hoàn thành kiểm tra học kỳ II năm học 2020 - 2021

09:36, 12/05/2021

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã đẩy lịch kiểm tra học kỳ II năm học 2020 - 2021 lên sớm hơn dự kiến, nhằm bảo đảm hoàn thành kế hoạch năm học.

Hoàn tất kiểm tra học kỳ trước ngày 15-5

Theo kế hoạch Bộ GD-ĐT ban hành, năm học 2020 - 2021 sẽ kéo dài đến ngày 31-5, nên việc thi hết học kỳ II được các nhà trường tổ chức vào trung tuần tháng 5. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ngày 6-5 Sở GD-ĐT ban hành Công văn số 587/SGDĐT về việc kiểm tra, đánh giá cuối kỳ II và hoàn thành chương trình năm học 2020 – 2021. Theo đó, Sở GD-ĐT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học, hoàn thành kiểm tra, đánh giá cuối học kỳ II trước ngày 15-5-2021.

Giờ học của học sinh Trường Tiểu học, THCS và THPT Victory (TP. Buôn Ma Thuột).
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học, THCS và THPT Victory (TP. Buôn Ma Thuột).

Tại Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) tất cả khối lớp đã hoàn thành kiểm tra cuối học kỳ II vào ngày 10-5, thay vì đến ngày 17-5 nhằm phòng trường hợp học sinh phải nghỉ giữa chừng do dịch bệnh mà chưa được kiểm tra học kỳ. Hiện nay giáo viên đang khẩn trương chấm thi, tổng kết điểm học tập học kỳ II. Sau đó, nhà trường tiếp tục dạy những nội dung, bài học còn lại của chương trình để hoàn thành kế hoạch năm học theo đúng quy định.

Tương tự, đến ngày 13-5, tất cả khối lớp của Trường THPT Thực hành Cao Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột) cũng hoàn thành kiểm tra học kỳ II. Nhà trường đẩy lịch thi lên sớm hơn 2 ngày so với kế hoạch. Tuy nhiên, trước đó giáo viên đã hệ thống lại kiến thức và liên tục nhắc nhở học sinh ôn tập nên việc thay đổi thời gian thi không làm học sinh quá bất ngờ.

Linh hoạt ứng biến với tình hình, Ban Giám hiệu Trường THPT Phan Đăng Lưu (xã Pơng Drang, huyện Krông Búk) cũng thay đổi kế hoạch dạy học và ôn tập kiến thức cho học sinh. Hiện nay, các lớp đã tiến hành kiểm tra học kỳ II ở một số môn học. Riêng các môn thi đề chung như: Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh, Vật Lý, Hóa học… được tổ chức thi từ ngày 11 đến 15-5. Để tạo tâm lý thoải mái, giảm tải kiến thức cho học sinh, nhà trường đã phân bổ, sắp xếp thời gian thi hợp lý, cách ra đề không nặng về lý thuyết, không kiểm tra những nội dung bài học chưa giảng dạy giúp học sinh hoàn thành tốt bài thi.

Linh động phương án ôn tập cho học sinh lớp 12

Song song với gấp rút tổ chức thi học kỳ II, Sở GD-ĐT cũng đặc biệt quan tâm chỉ đạo các trường lên kế hoạch ôn tập, phụ đạo cho học sinh lớp 12 một cách khoa học, hợp lý nhằm đảm bảo đầy đủ kiến thức giúp các em tham gia tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Theo ghi nhận tại Trường THPT Thực hành Cao Nguyên, hiện nhà trường đã chuẩn bị sẵn hai phương án. Nếu sau khi kết thúc kiểm tra học kỳ II, học sinh vẫn đi học bình thường, nhà trường bố trí lịch học phù hợp để dạy những nội dung, bài học còn lại của chương trình; đồng thời tổ chức ôn tập kiến thức, luyện đề thi cho học sinh lớp 12 dựa trên tổ hợp môn xét tuyển để các em thích nghi với hình thức thi 3 môn liên tục trong bài thi tổ hợp của Bộ GD-ĐT. Trong trường hợp học sinh phải tạm dừng đến lớp, giáo viên sẽ triển khai ôn tập trực tuyến, cung cấp hệ thống câu hỏi, giao bài tập, đề thi để học sinh tự học ở nhà.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Đăng Lưu (huyện Krông Búk) thi học kỳ II môn Ngữ Văn.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Đăng Lưu (huyện Krông Búk) thi học kỳ II môn Ngữ Văn.

Trước diễn biến dịch phức tạp trong khi học sinh của Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt (TP. Buôn Ma Thuột) vừa ở bán trú, nội trú nên các phương án dạy học được nhà trường sắp xếp linh hoạt. Hiện nay trường đã có trang bài giảng trực tuyến khá hoàn chỉnh về hình thức và nội dung tại địa chỉ http://e-learning.hoangviet.edu.vn. Tất cả thầy cô giáo đều có tài khoản riêng để khai thác nguồn tài liệu ở trang này giúp học sinh thuận tiện trong ôn tập.

Từ kinh nghiệm của những lần tổ chức dạy học trực tuyến ứng phó với dịch COVID-19 trước đây, lần này cả giáo viên và học sinh Trường THPT Phan Đăng Lưu đã được chuẩn bị về tâm thế, năng lực và học liệu nên việc chuyển trạng thái sang dạy học trực tuyến không gặp nhiều khó khăn. Nhà trường đang sử dụng phần mềm E-Learning của VNPT và phầm mềm Microsoft Teams. Đây là hai ứng dụng học trực tuyến phổ biến nhất được nhiều giáo viên, học sinh sử dụng học tập online trong mùa dịch năm học 2019 - 2020. Trường hợp dịch bệnh kéo dài thì hình thức dạy trực tuyến này tiếp tục được áp dụng và tăng cường hơn nữa, giúp học sinh đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Ngày 13-5-2021, hoàn thành kiểm tra, đánh giá học kỳ II

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 2 bệnh nhân dương tính với COVID-19 trên địa bàn tỉnh, ngày 11-5-2021, Sở Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 615/GDĐT-GDTrH-GDTX về việc hoàn thành kiểm tra, đánh giá học kỳ II và cuối năm học; điều chỉnh kế hoạch dạy học để phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Theo đó, Sở yêu cầu đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, đánh giá học kỳ II và cuối năm học 2020 - 2021 cho học sinh của nhà trường, đảm bảo đến hết ngày 13-5-2021 phải thực hiện xong. Các trường đã hoàn thành tổ chức đánh giá học kỳ II và cuối năm học 2020 - 2021 thì chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến, giao bài..., đối với những nội dung, bài học còn lại của chương trình để hoàn thành kế hoạch năm học theo đúng quy định; tuyệt đối không được cắt xén, dồn ép chương trình. Đối với học sinh lớp 9 và lớp 12 chuẩn bị tham gia các kỳ thi, yêu cầu các nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức ôn tập cụ thể, chi tiết thông qua các hệ thống phần mềm dạy và học trực tuyến…

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.