Multimedia Đọc Báo in

Khơi nguồn văn hóa đọc trong thế hệ trẻ

08:09, 07/05/2021

Cụm từ “Văn hóa đọc” hiện nay được nhắc đến rất nhiều, theo một định nghĩa chung chung thì nó có nghĩa là “đọc có văn hóa”, nhưng để đi vào chi tiết và nội hàm của vấn đề thì có lẽ khó.

Hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, vừa qua Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh phối hợp với Trường THPT Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn) và Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức tọa đàm về văn hóa đọc với học sinh, sinh viên.

Các nhà văn: Võ Thị Xuân Hà, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Trưởng Ban Sáng tác trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam; Nguyễn Đình Tú, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội; Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk đã trò chuyện, chia sẻ và phân tích sâu sắc về mục đích, vai trò của việc đọc sách cũng như bàn về thực trạng văn hóa đọc hiện nay ở Việt Nam, từ đó khơi nguồn văn hóa đọc trong thế hệ trẻ, giúp các em ngày càng gắn bó với những trang sách.

Ở nhà văn Nguyễn Đình Tú, với những kinh nghiệm rút ra trong quá trình học tập, nghiên cứu, sáng tác…, anh đã nhấn mạnh đến ý nghĩa quan trọng của việc đọc sách. Đọc sách giúp con người trưởng thành về mặt tâm hồn, trí tuệ, có tư duy logic; xã hội càng có nhiều người đọc sách, nhận thức càng cao. Đọc sách là một cách giải trí văn minh, lành mạnh giúp bản thân cân bằng cuộc sống và cảm nhận được hạnh phúc. Đây cũng là hình thức học tiết kiệm và hiệu quả nhất bởi có thể học ở bất cứ chỗ nào, bất cứ khi nào và ở nhiều lĩnh vực...

Học sinh Trường THPT Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn) háo hức tìm chọn cuốn sách phù hợp.
Học sinh Trường THPT Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn) háo hức tìm chọn cuốn sách phù hợp.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà lại trân trọng những giá trị làm nên cuốn sách, đó không chỉ là tác giả mà còn có cả một “êkip”, tập thể phía sau như biên tập, người trình bày, minh họa… Mỗi một cuốn sách được đọc hết chính là sự cảm ơn ngọt ngào nhất mà công chúng mang đến cho họ, từ đó mỗi trang sách càng thêm có ý nghĩa. Nhà văn Niê Thanh Mai giúp độc giả trẻ biết cách lan tỏa những cuốn sách hay đến nhiều người, chính là đọc và chia sẻ cảm nhận về chúng…

Em Nguyễn Thị Hạnh (lớp 11A3, Trường THPT Buôn Đôn, huyện Buôn Đôn) sau khi nghe sự chia sẻ của các diễn giả đã tâm sự: “Trước đây em cũng đọc sách nhưng chỉ yêu thích dòng tiểu thuyết, ngôn tình. Nghe các nhà văn chia sẻ những câu chuyện, mục tiêu trong cuộc đời được thực hiện một phần nhờ đọc, nghiên cứu qua sách, em chợt nhận ra mình cần phải thay đổi, đầu tiên là thói quen đọc sách, đọc nhiều, đọc đa dạng để có cái nhìn nhiều chiều, hiểu biết sâu sắc hơn về cuộc sống”.

Cùng quan điểm đó, sinh viên Nguyễn Văn Hân (Trường Đại học Tây Nguyên) cho biết thêm: “Trước đây em đã mê sách, có một dự án nhỏ đưa sách đến các em thiếu nhi vùng sâu, vùng xa… Nay nghe các nhà văn chia sẻ, em như được truyền thêm nhiều năng lượng tích cực hơn nữa”.

Tại buổi giao lưu, các diễn giả đã giải đáp nhiều vấn đề mà các bạn trẻ còn băn khoăn như: cách lựa chọn sách, phương pháp đọc sách nói chung và đọc sách ngoại văn hiệu quả, quan điểm về sách giấy và sách điện tử… Từ những kiến thức nhận được, sinh viên Lê Minh Đức (khoa Nông Lâm, Trường Đại học Tây Nguyên) đã đặt ra mục tiêu cho bản thân sẽ hoàn thiện và cho ra mắt một cuốn sách do chính mình viết.

Nhà văn Niê Thanh Mai chia sẻ với học sinh Trường THPT Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn) cách lan tỏa một cuốn sách hay đến với cộng đồng.
Nhà văn Niê Thanh Mai chia sẻ với học sinh Trường THPT Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn) cách lan tỏa một cuốn sách hay đến với cộng đồng.

Từ những câu chuyện được trao đổi cho thấy, việc lan tỏa văn hóa đọc trong giới trẻ thật sự không khó, bởi đại đa số các em rất thích sách và đọc sách; có tình trạng thờ ơ với sách có thể là do chưa tìm ra được những cách phù hợp, hoặc bị ảnh hưởng bởi một số nguyên nhân như: thiếu những tiết đọc sách trong nhà trường; gia đình chưa chú trọng xây dựng thói quen đọc sách từ sớm cho trẻ; các nhà xuất bản, công ty sách chưa thật sự quan tâm và thúc đẩy phát triển văn hóa đọc…

Các diễn giả cho rằng cần phải xây dựng một chương trình giáo dục kỹ năng đọc trong môi trường truyền thống và môi trường điện tử để giảng dạy cho giáo viên, học sinh và cả phụ huynh; hệ thống thư viện cần được nâng cao hay tăng cường những hoạt động phát triển văn hóa đọc tại các trường học như giao lưu tác giả - tác phẩm, tác giả ký tặng sách… Nếu những giải pháp trên được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ thì nhu cầu đọc sách trong toàn xã hội nói chung và thế hệ trẻ nói riêng sẽ ngày càng tăng và phát huy hiệu quả, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển của xã hội.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.