Multimedia Đọc Báo in

Người thầy tật nguyền 15 năm gắn với nghiệp “cầm quân”

06:48, 20/08/2011

Tôi đã từng được biết đến người thầy chưa một lần đứng trên bục giảng và mặc dù đôi chân bị tật nguyền nhưng gần 15 năm nay, ông vẫn chống nạng đến sân bóng của huyện để tập cho các em thiếu nhi đá bóng. Đó chính là huấn luyện viên trưởng đầy tâm huyết của đội bóng đá thiếu niên - nhi đồng huyện Krông Pak - Trần Ngọc Châu (ở khối 7, thị trấn Phước An, huyện Krông Pak).

Sinh năm 1949, tại quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng nhưng số phận ông lại không được may mắn như bao người bình thường khác khi đôi chân bị liệt. Tuổi thơ của ông đã trải qua nhiều vất vả và buồn tủi, một thời gian dài không dám đi ra đường, vì thấy khó chịu khi người khác nhìn mình. Nhưng rồi ông nghĩ, không lẽ ở nhà suốt đời?! Trước ý nghĩ đó, cùng niềm đam mê với trái bóng tròn và mong muốn được cống hiến chút công sức bé nhỏ của mình cho phong trào thể dục - thể thao đã giúp ông trở thành một nhà “cầm quân”. Năm 1976, ông cùng gia đình vào Dak Lak lập nghiệp. Tại đây, ông nhận thấy vào dịp hè, nhiều trẻ em ở nông thôn rất ham đá bóng nhưng chính các em lại không được tập luyện. Xuất phát từ lòng đam mê của mình cùng với mong muốn giúp các em có được sân chơi đúng nghĩa “tuổi thơ” nên mùa hè năm 1995, ông đứng ra tập hợp những em có năng khiếu để thành lập đội bóng đá nhi đồng đại diện cho huyện tham gia tranh tài ở các giải đấu cấp tỉnh. Sau khi thành lập vừa đủ 1 đội bóng, ông trực tiếp kiêm nhiệm công tác huấn luyện và tổ chức hoạt động.

Ông Trần Ngọc Châu (ngồi giữa) và các học trò.
Ông Trần Ngọc Châu (ngồi giữa) và các học trò.
Mặc dù đôi chân không lành lặn như bao huấn luyện viên khác nhưng với vốn kiến thức có được khi theo dõi các trận cầu cùng những phân tích chuyên sâu của các nhà chuyên môn về nhiều khía cạnh của môn thể thao Vua trên sách, báo và truyền hình, từ đó ông áp dụng vào tập luyện cho các học trò. Không những vậy, những phút nghỉ giải lao trong các buổi tập, ông thường gần gũi các em, chỉ ra các điểm mạnh, điểm yếu của từng “cầu thủ nhí” và luôn động viên các em thi đấu nhiệt tình, năng nổ. Ông còn đưa ra những bài giảng về kỹ - chiến thuật khác nhau tại mỗi buổi tập, đó là khi thì rèn thể lực, buổi thì thể hiện khả năng xử lý bóng, tấn công, phòng thủ, cách triển khai lối chơi… Đối với mỗi tuyến thi đấu trên sân cũng đều được ông chỉ dẫn cặn kẽ. Với các cầu thủ tiền đạo đá trên hàng công thì cần phải thể hiện được sự khéo léo, khả năng “tì đè” đối phương và quan trọng nhất là khâu dứt điểm. Tiền đạo không cần phải sút bóng mạnh mà cần sự chính xác đến từng cen-ti-met và ngoài ra còn phải biết tận dụng mọi cơ hội có được. Còn ở hàng phòng thủ thì cần thể hiện sự chắc chắn, khả năng đeo bám đối phương, ngăn cản các đường lên bóng. Đặc biệt, bóng đá nhi đồng thì sự phối hợp nhịp nhàng đều giữa các tuyến là điều tối cần thiết… Chính những bài giảng đó đã được các học trò áp dụng hiệu quả khi thi đấu, đội bóng đá nhi đồng huyện Krông Pak liên tiếp gặt hái được nhiều thành công và luôn nắm giữ vị trí dẫn đầu tại Giải Bóng đá nhi đồng tỉnh Dak Lak nhiều năm liền… Nhưng điều làm ông trăn trở nhất là sau mỗi giải đấu kết thúc, các học trò của mình sau đó sẽ như thế nào, làm sao để duy trì sự tồn tại của đội bóng, vì nếu tiếp tục thì lấy tiền đâu ra để hoạt động? Bao nhiêu câu hỏi cứ làm ông day dứt, không sao ngủ được nhưng rồi được sự động viên của các cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, sự ủng hộ của người dân và đặc biệt là phụ huynh các em trong đội tuyển, ông đã dần khắc phục được những khó khăn bước đầu để tiếp tục duy trì hoạt động của đội bóng. Bây giờ, công việc huấn luyện của ông không chỉ tạo sân chơi lành mạnh cho các em thiếu nhi vùng nông thôn vào mỗi dịp hè mà đội tuyển “bóng đá nhí” do ông tập hợp, đào tạo đã cung cấp nhiều lứa cầu thủ cho Trường Năng khiếu Thể dục - Thể thao tỉnh chuẩn bị cho các giải đấu cấp quốc gia nhiều năm liền. Trao đổi về kinh nghiệm trong quá trình huấn luyện, đào tạo bóng đá “nhí”, ông cho biết, để các em tuân thủ kỷ luật thì sự nghiêm khắc của người thầy bao giờ cũng rất cần thiết vì lúc đầu mới tuyển chọn, các em đều đang tuổi ăn, tuổi chơi nên vừa huấn luyện, vừa làm cha, làm mẹ để động viên, an ủi các em. Và trong quá trình luyện tập phải luôn động viên các em cần miệt mài, kiên trì, tuân thủ mọi quy tắc kỷ luật. Hiện nay, học trò của ông có 135 em, tuổi từ 10 đến 15 (trong đó có 1 đội bóng nữ) và vào tầm khoảng từ 7 giờ đến 10 giờ sáng hằng ngày, ông cùng các học trò lại ra sân cỏ nhân tạo tại CLB Đình Đình để tập luyện.

Anh Nguyễn Đình Hải, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Pak cho biết, nhờ sự huấn luyện, hướng dẫn của ông Châu nên nhiều em sau khi trải qua lớp huấn luyện tại cơ sở đã được Trường Năng khiếu Thể dục – Thể thao tỉnh chọn và đào tạo thành cầu thủ chuyên nghiệp cho tỉnh. Trong những năm qua, đội bóng đá do ông Châu huấn luyện luôn mang về những thành tích cao cho hoạt động thể thao huyện Krông Pak.

Thế Hùng

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.