Multimedia Đọc Báo in

Môn thể thao “vua” ở phố núi

14:24, 06/09/2012

Bóng đá được ví là môn thể thao “vua” thu hút đông đảo người hâm mộ trên khắp hành tinh. Cũng giống như những nơi khác, phong trào luyện tập và thi đấu môn bóng đá tại tỉnh ta khá sôi nổi.

U15 Dak Lak luyện tập chuẩn bị cho các giải đấu.
U15 Dak Lak luyện tập chuẩn bị cho các giải đấu.

Có lẽ không môn thể thao nào thu hút số lượng người hâm mộ lớn như môn bóng đá. Từ người già đến trẻ, từ nam đến nữ đều có thể thể hiện niềm đam mê của mình với môn thể thao hấp dẫn này bằng việc trực tiếp chơi bóng hay chỉ theo dõi và cổ vũ cho những trận bóng.

Bóng đá là môn thể thao dễ chơi, mang tính tập thể cao. Vì vậy, các trận đấu bóng đá luôn diễn ra sôi nổi, hào hứng. Trước đây, trường học của chúng tôi thường tổ chức các giải bóng đá phong trào giữa các khối lớp, thành lập đội tuyển bóng đá, tham gia thi đấu với các trường trong tỉnh để tạo sân chơi bổ ích cho học sinh sau những giờ học tập căng thẳng trên lớp. Ngày đó, tuy cơ sở vật chất còn hạn chế, những trận đấu, giải đấu bóng đá ít mang tính chuyên nghiệp, song với tính chất thể thao trong sáng, lành mạnh đã tạo động lực thi đua trong toàn trường, thu hút nhiều đội bóng thi đấu… Cùng với thời gian, khi đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, nhu cầu tập luyện TDTT, đặc biệt là môn bóng đá cũng được quan tâm hơn. Hệ thống sân bãi không đủ, nên một số người dân đã mạnh dạn đầu tư xây dựng sân bóng đá cỏ nhân tạo nhằm tạo sân chơi lành mạnh cho những “tín đồ” của làng túc cầu. Sự xuất hiện của những sân bóng đá mini cỏ nhân tạo là bước đột phá trong công tác xã hội hóa thể thao, không chỉ tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất mà còn thúc đẩy phong trào bóng đá ở từng địa phương khởi sắc, đáp ứng nhu cầu tập luyện và thi đấu trong nhân dân. Anh Lê Phi Sơn, chủ nhân sân bóng đá mini cỏ nhân tạo FIFA (Tổ dân phố 8, thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo) cho biết: Để xây dựng một sân bóng đá nhân tạo, ngoài mặt bằng sẵn có, cần ít nhất khoảng 600 - 700 triệu đồng, trong đó phần lớn là tiền cỏ nhân tạo vì phải nhập từ Trung Quốc. Ưu điểm của sân bóng đá cỏ nhân tạo là không hạn chế thời gian chơi, vì đã có hệ thống đèn chiếu sáng cao áp, hệ thống cỏ nhân tạo đạt chuẩn FIFA và hệ thống rào chắn. Ngoài ra, thi đấu trên mặt sân cỏ nhân tạo còn hạn chế được rủi ro, va chạm trong thi đấu”. Tính đến đầu năm 2012, toàn tỉnh có 96 sân bóng đá cỏ nhân tạo, tập trung nhiều nhất tại TP. Buôn Ma thuột (50 sân), kế tiếp là huyện Krông Pak (15 sân) và huyện Ea H’leo (12 sân)… Với mức giá thuê sân từ 100.000 đồng - 240.000 đồng/1 giờ (tùy vào khung thời gian), các sân bóng đá cỏ nhân tạo thu hút đông đảo khách hàng, hằng ngày trên sân luôn sôi nổi,  các trận cầu của những cầu thủ “nghiệp dư” đủ mọi  lứa tuổi, thành phần. Vào 2 ngày nghỉ cuối tuần, các sân đều có lịch đăng ký chật kín cả ngày lẫn buổi tối. Nhiều khi đến 0h có sân vẫn sáng đèn phục vụ các cầu thủ nghiệp dư.

Nhằm thúc đẩy phong trào tập luyện và thi đấu môn thể thao “vua”, hằng năm tỉnh thường xuyên tổ chức nhiều giải đấu lớn như: Giải Bóng đá Thiếu niên và Nhi đồng, giải Bóng đá lứa tuổi 15 (U15), giải Bóng đá vô địch tỉnh..., thu hút khá đông các đội bóng tham gia thi đấu. Hội thao các cơ quan, ban ngành cũng thường đưa bóng đá vào môn thi đấu chính thức. Đặc biệt đội bóng đá Nhi đồng luôn đạt những thành tích ấn tượng, mới đây đã giành ngôi Vô địch ở Giải Bóng đá Nhi đồng toàn quốc – tranh Cup Yamaha năm 2012… Trong chiến lược phát triển thể thao, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh đã và đang từng bước đưa môn bóng đá phát triển theo hướng chuyên nghiệp, các đội năng khiếu được phát triển thành đội trẻ và đội tuyển để tham gia thi đấu các giải trong toàn quốc.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc