Multimedia Đọc Báo in

Thể thao thành tích cao: Hướng đến chuyên nghiệp hóa

08:17, 18/12/2012

Những năm qua, sự nghiệp thể dục thể thao (TDTT) đã có bước phát triển đáng kể, vị thế của thể thao Dak Lak từng bước được khẳng định ở đấu trường trong nước, khu vực và châu lục. Trong đó, thể thao thành tích cao có nhiều tiến bộ cả về công tác đào tạo, huấn luyện và thành tích thi đấu.

Kich - Boxing là thế mạnh của thể thao Dak Lak  ở đấu trường quốc gia hơn 10 năm nay.
Kich - Boxing là thế mạnh của thể thao Dak Lak ở đấu trường quốc gia hơn 10 năm nay.

Thời gian qua, đoàn thể thao Dak Lak tham dự các giải thể thao quốc gia và quốc tế đã mang về nhiều thành tích nổi bật. Tính riêng năm 2012, đoàn tham dự 40 giải thể thao (33 giải quốc gia, 4 giải khu vực và 3 giải quốc tế), đoạt 137 huy chương các loại (35 HCV, 51 HCB, 51 HCĐ). Trong đó, một số môn đạt được thành tích đáng khích lệ như: Nhất toàn đoàn nữ, Nhì nam tại Giải Vô địch Kick - Boxing trẻ nam, nữ toàn quốc năm 2012; Vô địch môn Bóng đá Nhi đồng toàn quốc 2012; Vô địch Giải Bóng chuyền Phân bón Cò bay năm 2012; xếp hạng 4/35 tại Giải Vô địch Cup các CLB Rowing toàn quốc năm 2012… Kết quả này phần nào chứng tỏ tiềm năng của thể thao đỉnh cao, đồng thời minh chứng chủ trương tập trung đầu tư cho các môn trọng tâm của tỉnh đang đi đúng hướng. Nhờ có những chế độ chính sách ưu tiên, sự quan tâm đầu tư kịp thời của tỉnh mà công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện cũng như tổ chức tham gia thi đấu những giải quốc gia, quốc tế có điều kiện thuận lợi hơn. Hiện tại, Trung tâm Huấn luyện TDTT tỉnh có 12 môn thể thao, trong đó tập trung tại chỗ 8 môn (cử tạ, điền kinh, boxing, kick-boxing, võ thuật cổ truyền, bóng đá, vovinam và wushu), gửi tập tại các Trung tâm huấn luyện Quốc gia II - TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội 3 môn (điền kinh, karatedo và rowing) với tổng số 26 huấn luyện viên, đảm nhận cho cả 2 tuyến (đội tuyển và tuyển trẻ). Hầu hết các bộ môn đã xây dựng kế hoạch luyện tập khép kín từ cơ sở, tuyến trung tâm cho đến cấp độ đội tuyển, trong đó một số môn thế mạnh được đầu tư tập luyện với nhiều VĐV xuất sắc đang ở độ tuổi sung sức, hứa hẹn thi đấu đạt nhiều kết quả tốt tại các giải trong nước và khu vực tới đây như: H’Đin Niê (HCB Giải Vô địch Điền kinh Đông Nam Á 2012); Phạm Cao Sơn, Ngô Đăng Thanh (VĐV đội tuyển quốc gia môn điền kinh), Phạm Viết Mạnh (HCV Giải Vô địch Cử tạ toàn quốc 2012), Phạm Tuấn Kiệt (Kiện tướng quốc gia môn Võ thuật cổ truyền), Trương Đình Hoàng (HCĐ hạng cân 69kg tại SEA Games 26 năm 2011 - Indonesia)…

Năm 2013, với mục tiêu hoàn thiện lực lượng VĐV ở các bộ môn trọng điểm, chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc lần VII năm 2014, ngành TDTT đã xây dựng kế hoạch và triển khai tập luyện. Trung tâm đã cử các huấn luyện viên tham gia tập huấn nghiệp vụ tại các trung tâm đào tạo thể thao thành tích cao ở Hà Nội nhằm đào tạo VĐV có chất lượng tốt, cử vận động viên Ngô Đăng Thanh (môn điền kinh) đi tập huấn tại Trung Quốc. Trong các buổi tập, huấn luyện viên đã truyền niềm đam mê, sự khát khao chiến thắng, giúp các em tự tin khi thi đấu. Em Phạm Tuấn Kiệt (Kiện tướng quốc gia môn võ thuật cổ truyền) cho biết, lúc đầu em theo môn võ này chỉ là niềm yêu thích, với mong muốn để tăng cường sức khỏe, nhưng càng tập càng thấy đam mê, được các thầy động viên khích lệ nên cố gắng hơn và đạt thành công trong thi đấu.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, thể thao thành tích cao của tỉnh vẫn gặp khó khăn như: đội ngũ cán bộ chuyên trách về TDTT còn trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều; cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo, huấn luyện nghèo nàn, đã xuống cấp, không đáp ứng được tiêu chuẩn tập luyện; lực lượng VĐV kế cận ở một số môn chưa đáp ứng nhu cầu đỉnh cao bởi để có VĐV có tiềm năng cần khoảng thời gian nhất định… Ông Phạm Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện TDTT tỉnh cho biết: Thể thao thành tích cao đã có nhiều tiến bộ cả về công tác đào tạo, huấn luyện VĐV và thành tích thi đấu. Để thể thao thành tích cao có những bước phát triển bền vững hơn, tiến đến chuyên nghiệp hóa thì cần có chính sách hợp lý đối với VĐV tài năng, có nhiều cống hiến cho địa phương; tăng cường công tác tuyển chọn VĐV, nhất là tạo nguồn, bồi dưỡng; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác huấn luyện, đào tạo VĐV thành tích cao…

 Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc