Multimedia Đọc Báo in

"Chợ trời" V-League

06:39, 01/09/2013

Cuối tuần này, Giải Bóng đá vô địch quốc gia (V-League) 2013 cũng hạ màn. Với biết bao kỳ vọng từ đầu giải đấu, đến hôm nay có thể khẳng định rằng giải bóng đấu hạng cao nhất của bóng đá Việt Nam có một kết cục.. chẳng giống ai.

Liệu những khán đài chật kín khán giả như thế này sẽ còn xuất hiện ở những mùa giải sắp tới?
Liệu những khán đài chật kín khán giả như thế này sẽ còn xuất hiện ở những mùa giải sắp tới?

Trên danh nghĩa, V-League 2013 còn một vòng đấu nữa mới kết thúc, nhưng thực tế vòng đấu cuối cùng này chỉ mang tính thủ tục bởi các vị trí quan trong của giải đấu đã được xác định. Tuy nhiên, điều đáng nói là không phải vì giải đấu này có đội bóng quá mạnh để vô địch sớm, hay có đội quá yếu để nhận suất xuống hạng khi giải đấu chưa kết thúc mà xuất phát từ việc có một đội bóng bỗng dưng dừng cuộc chơi. Mọi chuyện bắt đầu sau vòng đấu thứ 20 của V-League. Bất bình với cách hành xử của ban tổ chức khi bị trừ 4 điểm vì có những biểu hiện thi đấu thiếu tích cực ở những vòng đấu trước, CLB XT Sài Gòn ra thông báo và gửi công văn đến ban tổ chức giải chính thức giải tán và không còn tham dự V-League. Vụ bỏ cuộc của XT. Sài Gòn khiến cả giải đấu bị xáo trộn mạnh. Trước sự việc này, hai vòng đấu cuối của V-League 2013 được coi là rất đáng xem với cuộc đua tam mã tranh ngôi vô địch của Hà Nội T&T, Sông Lam Nghệ An và SHB.Đà Nẵng. Thế nhưng, việc rút lui của đội bóng bầu Thủy kéo theo bảng xếp hạng bị xáo trộn toàn bộ và ngôi vô địch đã gần như nằm trong tay hai đội bóng của bầu Hiển. Bởi theo điều lệ tất cả kết quả các trận đấu của XT. Sài Gòn đều phải hủy bỏ, các đội bóng đều bị trừ đi số điểm đã có được từ XT. Sài Gòn. Và như thế Sông Lam Nghệ An bị trừ đến 6 điểm trong khi Hà Nội T&T cùng SHB. Đà Nẵng mỗi đội chỉ bị trừ lần lượt là 4 điểm và 2 điểm. Cũng theo điều lệ giải, V-League 2013 chỉ có một đội phải xuống hạng và với việc bỏ giải của mình, XT. Sài Gòn sẽ bị đánh thẳng xuống hạng Ba cũng như bị phạt 100 triệu đồng. Thế nên K. Kiên Giang từ đội bóng được xác định xuống hạng bỗng nhiên được ở lại.

Với những gì đã diễn ra, không ngoa khi nhiều người ví V-League 2013 như một cái "chợ trời". Ở "cái chợ" đó, ai muốn đến thì đến, muốn đi thì đi. Bởi thực tế là trước khi XT. Sài Gòn bỏ cuộc chơi, những đội bóng khác như Thanh Hóa hay K. Kiên Giang cũng từng dọa "nghỉ chơi" để phản ứng với cách hành xử của ban tổ chức hay công tác trọng tài. Cũng vì như "cái chợ" nên trong án phạt với XT. Sài Gòn họ đã bị giáng xuống hạng Ba mà mục đích không phải để làm điều gì đó "cao siêu" mà (như ban tổ chức nói) đội bóng này sẽ không còn cơ hội bán lại suất V-League cho nhà đầu tư khác. Cũng theo ban tổ chức giải, pháp sau sự cố này rất có thể Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng sẽ phải thay đổi các điều lệ, quy chế cho phù hợp hơn với tình hình và không loại trừ việc... các đội bóng sẽ phải đặt cọc tiền khi tham dự giải. Trong trường hợp bỏ giải giữa chừng như XT. Sài Gòn thì sẽ bị mất số tiền đặt cọc đó. 

Sân cỏ Việt Nam vừa mới có những tín hiệu khả quan khi khán giả bắt đầu để ý và “lục tục” quay lại với khán đài. Thế nhưng sau sự kiện “hoành tráng” này, không biết có còn ai đi xem các trận đấu ở V-League mùa sau nữa hay không. Thế rồi những đội bóng được xem là chân chính còn lại sẽ phải có thái độ thi đấu ra sao ở mùa giải sau khi mà họ phải vừa thi đấu vừa lắng xem có đội nào… “bỏ giải” nữa không!? Đây rõ ràng là một thực tế mà những người còn chút vấn vương với bóng đá Việt Nam không hề trông đợi. Và cách giải quyết cùng những đề xuất mới nhất này của VFF cũng không thể làm người hâm mộ bóng đá Việt Nam yên lòng. Bởi ai cũng biết “vấn đề căn cơ” không phải ở những chỗ đó. Một lần nữa, bóng đá Việt Nam phải đối diện với thách thức trên con đường chuyên nghiệp hóa. Không vượt qua được “khúc cua” này, có thể mãi mãi chúng ta không thể nâng tầm nền bóng đá Việt Nam.

Giang Nam

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.