Chuyện về những "cây vợt nhí" của Dak Lak
Quần vợt (tennis) là một môn thể thao rất phổ biến và được ưa chuộng ở Việt Nam nói chung và Dak Lak nói riêng. Rất nhiều người nghĩ tennis chỉ dành cho người lớn vì những động tác mạnh mẽ, dễ gây chấn thương, đòi hỏi nhiều thể lực… Nhưng thực tế đây cũng là môn thể thao hữu ích, thú vị dành cho các em nhỏ và được các em đặc biệt yêu thích…
Những năm đầu thập niên 90, quần vợt được xem là môn thể thao thế mạnh của Dak Lak tại các giải đấu trong khu vực và toàn quốc. Số lượng người tập luyện, thi đấu không ngừng tăng lên, không chỉ phát triển dưới dạng phong trào mà thể thao thành tích cao cũng xuất hiện nhiều “cây vợt” có tiếng tăm. Điển hình như tay vợt Phan Như Quỳnh, một vận động viên chuyên ngiệp đã cùng đồng đội mang về cho thể thao Việt Nam tấm Huy chương Đồng nội dung đồng đội nữ tại SEA Games 22. Dẫu rằng thời gian qua, quần vợt Dak Lak không xuất hiện thêm nhiều “tài năng” nữa nhưng phong trào tập luyện bộ môn này vẫn không ngừng phát triển. Điều đáng mừng hơn là ngày càng có nhiều thanh, thiếu niên tham gia tập luyện, thi đấu môn thể thao này...
![]() |
Các “tay vợt nhí” trong một buổi tập tại Trường Năng khiếu thể dục thể thao. |
Đến sân tennis trong Trường Năng khiếu Thể dục, thể thao tỉnh có thể bắt gặp khá nhiều các em nhỏ đang tập luyện một cách say sưa. Nhìn những cú phát bóng chuẩn xác, những động tác đánh bóng, đỡ bóng, chạy dọc sân… thật khó có thể hình dung các em nhỏ này mới chỉ trên dưới … 10 tuổi. Em Trịnh Đăng Khoa (SN 2006) ở Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, hồn nhiên khoe: “Em chơi môn này được một thời gian, cảm giác đánh trái bóng qua lại thích lắm. Trước đây, khi mới tập chơi em phải dùng những cây vợt nhỏ và nhẹ nhưng bây giờ thì vợt to như người lớn em cũng chơi tốt rồi”. Còn em Nguyễn Thúy Hà My (SN 2004), ở huyện Krông Pak cho biết: Nhà em có sân tennis nên em làm quen với vợt lâu rồi, tuy nhiên do không có người huấn luyện nên mỗi ngày em đều đi xe buýt lên đây để tập cùng thầy và các bạn. Học môn này tuy mệt do phải vận động nhiều nhưng rất vui và rất tốt cho sức khỏe”...
Anh Trần Văn Linh, Huấn luyện viên lớp tennis cho biết, hiện lớp có 16 em, trong đó 8 em thuộc “biên chế” của nhà trường. Đa số các em đến với môn thể thao này xuất phát từ việc chủ động của phụ huynh. Trung bình mỗi buổi các em sẽ học 2 tiếng đồng hồ. Ngoài các bài tập kỹ thuật, các em còn được rèn luyện thể lực và chế độ ăn uống hợp lý như: uống nhiều nước trước, trong và sau khi chơi để tránh căng cơ; bổ sung thêm nhiều vitamin, khoáng chất… Thời gian đầu khi mới tập chơi, nhiều em còn rất lúng túng và khó khăn trong thực hiện các động tác nhưng sau một thời gian chịu khó tập luyện đa số các em đều tiến bộ rất nhiều. Hiện nay, hầu như các em trong lớp đều chơi khá tốt, trong đó xuất hiện nhiều em rất có “tiềm năng”, nếu được quan tâm, đầu tư đúng hướng sẽ có kết quả triển vọng trong tương lai. Chị H’Bê Niê (phụ huynh cho con theo học lớp tennis) tâm sự: “Mỗi lần cùng cháu đi thi đấu, tôi luôn bên cạnh cạnh để động viên, cổ vũ. Khi cháu thắng, bản thân tôi cũng thấy vui và tự hào. Mỗi lần cháu thua nhìn vẻ mặt buồn bã, tôi thấy thương con vô cùng. Tôi nghĩ, luyện tập môn này ngoài việc giúp các em nâng cao sức khỏe, sự nhanh nhẹn, bền bỉ, rèn luyện khả năng quan sát và óc phán đoán thì đây còn là một hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, giúp thư giãn và giảm bớt căng thẳng sau những giờ học tập mệt mỏi”.
Thầy Chu Hồng Giang, Hiệu phó Trường Năng khiếu Thể dục, thể thao tỉnh cho biết, lớp năng khiếu về quần vợt được thành lập vào năm 2007. Hằng năm, nhà trường thông báo và thi tuyển các em từ 8 đến 12 tuổi trên địa bàn thành phố. Trung bình mỗi năm, lớp quần vợt có khoảng 10 em tham gia luyện tập. Các em được chọn vào trường sẽ được hỗ trợ mọi chi phí luyện tập như sân bãi, HLV giảng dạy, hỗ trợ mỗi em 60.000 đồng/ 1 buổi tập… Nhờ làm tốt công tác tuyển chọn ban đầu - cùng hiệu quả trong đào tạo và huấn luyện nên đến nay lớp năng khiếu quần vợt đã có những bước phát triển về chuyên môn, thể hiện rõ qua thành tích thi đấu tại các giải khu vực và quốc gia. Điển hình như em Nguyễn Thị Mai Gim (12 tuổi, ở Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) đã mang về tấm Huy chương Bạc tại giải vô địch quần vợt thanh thiếu niên toàn quốc năm 2010. Mới đây nhất, các “tay vợt nhí” đã mang về 2 huy chương Bạc và 4 huy chương Đồng tại giải vô địch quần vợt thanh thiếu niên khu vực Miền Trung - Tây Nguyên được tổ chức tại tỉnh Ninh Thuận”.
Mặc dù là sân chơi lành mạnh, bổ ích, được nhiều em thích thú khi tham gia luyện tập, tuy nhiên quần vợt là môn đầu tư khá tốn kém nên nhiều gia đình ngại, muốn tập trung cho con cái học văn hóa. Để có một cây vợt và trang phục “đạt chuẩn” người chơi phải bỏ ra số tiền ban đầu không nhỏ (chừng 5 triệu đồng) nên chỉ những gia đình có kinh tế khá giả mới có thể cho con em mình theo đuổi môn thể thao này. Nếu được quan tâm đầu tư về mọi mặt, hy vọng trong tương lai không xa quần vợt Dak Lak sẽ có sự phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng một phần từ những “tay vợt nhí” này.
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc