Multimedia Đọc Báo in

Cô gái vàng của bơi lội Việt Nam

"Triết lý Ánh Viên" – Bài học không của riêng ai

07:14, 28/06/2015
Tại SEA Games 28, cái tên được nhắc đến nhiều nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng chắc chắn là vận động viên bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên. Sở hữu tài năng bơi lội vượt trội, được mến mộ như một ngôi sao, nhưng Ánh Viên luôn thể hiện phong cách giản dị, sống chân thành, tình cảm và rất nhiều người đặc biệt ấn tượng với “triết lý” sống của cô gái trẻ này.
Với ý chí không ngừng vươn lên, chắc chắn Ánh Viên sẽ tiếp tục  mang vinh quang về cho đất nước.
Với ý chí không ngừng vươn lên, chắc chắn Ánh Viên sẽ tiếp tục mang vinh quang về cho đất nước.

Kết thúc SEA Games 28, Nguyễn Thị Ánh Viên đã mang về cho Đoàn thể thao Việt Nam 10 tấm huy chương, gồm 8 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng và 8 lần phá kỷ lục đại hội. Với thành tích ấn tượng ấy, Ánh Viên được phong tặng rất nhiều biệt danh như: “Kình ngư vàng”, “tiểu tiên cá”, “siêu sao bơi lội tuổi teen”, “cô gái thép”, “báu vật của bơi lội Việt Nam”... Thế nhưng có một điều đặc biệt khiến nhiều người thắc mắc là ở những ngày đầu thi đấu, sau mỗi lần về đích ở vị trí dẫn đầu không thấy Ánh Viên thể hiện sự vui mừng. Chẳng hạn, ngay ngày khởi tranh môn Bơi trên đất Singapore - cường quốc số 1 khu vực, Ánh Viên đã khiến cả làng thể thao Đông Nam Á ngỡ ngàng khi giành liền hai huy chương vàng  kèm theo ba kỷ lục Đại hội. Cả hai cự ly 400 m hỗn hợp và 800 m tự do, Ánh Viên đều cán đích trước người về sau từ cả chục đến vài chục mét. Bình thường, chiến tích đoạt huy chương vàng, lại phát kỷ lục, nhất là ở một môn cơ bản hàng đầu như môn Bơi lội, tuyển thủ hẳn sẽ rất vui mừng. Có lẽ duy nhất Ánh Viên là người không thể hiện điều này. Trả lời báo chí trong và ngoài nước về “hiện tượng” lạ lùng này, Ánh Viên đã thẳng thắn bày tỏ sự chưa hài lòng về thông số chuyên môn và phong độ, chưa đạt tới mức cao nhất có thể. Chẳng hạn trả lời Báo Tuổi Trẻ khi cô vừa bước xuống từ bục huy chương. Ánh Viên cho biết: “Đơn giản vì tôi đã đạt được mục tiêu do thầy đề ra. Mỗi khi thi đấu, dù đạt HCV nhưng nếu không đạt những cột mốc thành tích đạt ra trước đó thì tôi không bao giờ hài lòng. Mỗi ngày tôi phải tiến lên và điều đó giúp tôi có được sự tiến bộ. Để trở thành VĐV không thể thay thế của bơi lội Việt Nam trong tương lai, tôi không được tự dễ dãi hài lòng với bản thân mình”. Và khi lập kỷ lục ở 200 m bướm, giọt nước mắt đã lăn dài trên gương mặt cô gái trẻ này. Không ít người tưởng rằng đó là giọt nước mắt của chiến thắng, của lòng tự hào, của sự mãn nguyện, nhưng với Ánh Viên thì đó lại là: “Tôi khóc không phải vì giành huy chương vàng và phá kỷ lục SEA Games, mà vì trong lúc thi đấu đã mắc phải một số lỗi. Tôi không hài lòng khi bản thân lại có sai lầm như vậy”. Ánh Viên không cho phép mình mắc lỗi dù đã chiến thắng, theo cô “Nếu tôi hài lòng với những gì đã đạt được, tôi là kể thất bại ngay từ bây giờ, chứ không phải chờ đến ngày mai”.

Để có thể chinh phục được những đỉnh cao của thể thao nói chung, Bơi lội nói riêng, bên cạnh tài năng, vận động viên cần có một nghị lực phi thường cùng một ý chí mạnh mẽ. Ánh Viên hội đủ những điều đó. Thế nhưng, vượt ra khỏi phạm vi của thể thao, sự thành công, suy nghĩ của cô gái trẻ đã dạy cho con người ta rất nhiều bài học về cuộc sống, nhất là về sự vươn lên trong nghịch cảnh khó khăn. Bài học đó dường như càng có ý nghĩa lớn lao hơn trong giai đoạn hiện nay, khi mà một bộ phận giới trẻ đang chìm đắm trong những giá trị ảo, tự hài lòng với chính mình và những gì đang xảy ra quanh mình. “Thất bại không chờ đến ngày mai”- “triết lý sống” của cô gái 19 tuổi Ánh Viên - đã để lại một dấu lặng, sự trăn trở và làm thổn thức hàng triệu trái tim…

Ánh Viên được phát hiện có khả năng bơi lội tốt từ lúc còn nhỏ. Cô gái được ông nội dạy bơi từ lúc 3 tuổi ở những con sông quanh nhà. Năm lớp 5, Ánh Viên bắt đầu tham gia Hội khỏe Phù Đổng và thi đấu chuyên nghiệp từ đó. Năm 10 tuổi, Ánh Viên được Trung tâm Thể dục Thể thao Quốc phòng 4 (Quân khu 9) nhận đào tạo. Cuối năm 2010, Ánh Viên được gọi bổ sung vào đội tuyển bơi Việt Nam. Cuối năm 2011, Viên lần đầu tham dự SEA Games 26 tại Indonesia và thành tích là… trắng tay. Đầu năm 2012, Ánh Viên cùng HLV Đặng Anh Tuấn sang Mỹ tập huấn và được đăng ký khoác áo CLB St Augustine và là người Việt Nam duy nhất tập ở một trong những CLB chuyên về bơi lội nổi tiếng của Mỹ. Năm 2015, Viên chuyển sang CLB nổi tiếng khác của Mỹ là Ebiscobal và đang được dẫn dắt bởi chuyên gia Cray Anthony Teeters - từng làm trợ lý, người trực tiếp hướng dẫn các VĐV và thực hiện chương trình huấn luyện của ông Gregg Troy - HLV trưởng CLB Gator nằm trong top 10 CLB tốt nhất của Mỹ.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc